Lan tỏa yêu thương: Chấm dứt trừng phạt thể xác và tinh thần trẻ em

Tình yêu dành cho con không nên được định nghĩa bằng roi vọt, bằng mắng mỏ, chỉ trích, so sánh, đó chắc chắn không thể là trải nghiệm yêu thương. Hơn nữa, đó là hành vi xâm phạm quyền trẻ em.
Nhóm nòng cốt từ Hội đồng trẻ em tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thông điệp chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em. (Ảnh: MSD)

Chiến dịch Lan tỏa yêu thương của các tổ chức xã hội kêu gọi chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em đã sang năm thứ 4, nhưng chủ đề giáo dục bằng yêu thương vẫn không bao giờ là cũ.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ bị trừng phạt thể chất hoặc tinh thần tại gia đình và đôi khi tại nhà trường. Vì thế, các tổ chức xã hội cho rằng cần thêm những chính sách cụ thể để ngăn chặn các hành vi trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em.

Đừng yêu con bằng đòn roi, mắng mỏ

Có lẽ, sẽ không khó để có thể bắt gặp hình ảnh trẻ em bị đánh mắng, thông thường nhất thì mắng vài câu vì dậy muộn, lề mề, ăn chậm, bị chửi ngu ngốc khi bị điểm kém, bị bạn bắt nạt, bị so sánh với con nhà người ta, trên lớp bị đánh bằng thước kẻ, bị chửi ngu, bị sỷ nhục trước mặt bạn bè, đôi khi thấy trẻ bị tát, đấm, đá ở nhà hàng xóm, hay trên báo, tivi. Thậm chí, các hành vi tra tấn trẻ như thời trung cổ gây rúng động dư luận, nhiều em đã thương tâm bị tổn thương thể xác tinh thần nghiêm trọng bởi chính cha mẹ hay thầy cô của mình.

Bà Hồng Tô Huệ Lan, Giám đốc chi hội bảo trợ trẻ em huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết báo cáo Khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam năm 2020 của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế (SCI) cho thấy cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ đã từng chứng kiến việc trẻ em bị trừng phạt tại gia đình và tỷ lệ cũng rất cao tại nhà trường.

Tại buổi đối thoại “Tiếng nói trẻ em và các bên liên quan trong thúc đẩy quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em” do MSD, Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em, Cục Trẻ em, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/11, đại diện trẻ em đã tự tin lên tiếng về mong muốn chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần.

9 em thiếu nhi đại diện cho gần 90 trẻ em của các nhóm nòng cốt từ Hội đồng trẻ em tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ về nguyên nhân, hậu quả của việc đánh mắng trẻ, đồng thời đưa ra các giải pháp và thông điệp mạnh mẽ: “Con yêu cha mẹ bằng trái tim, Cha mẹ đừng yêu con bằng đòn roi, mắng mỏ.”

Em Nga Mỹ, học sinh trường Trung học cơ sở Võ Văn Tần, Thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn chứng những số liệu của các cơ quan bảo vệ trẻ em cho thấy 80% trẻ em được khảo sát đã trực tiếp chứng kiến bạn hoặc anh, chị, em của mình bị người lớn xử phạt khi mắc lỗi, 74% trẻ chứng kiến hành động trực phạt về bạo lực và thể chất tại gia đình mình.

Khi được lên tiếng nói, các em đã thẳng thắn chỉ ra rằng hiện tại ở nhà trường vẫn còn hình thức trù dập học sinh. Thực tế, ở trường có các kênh phản hồi cho học sinh nhưng các kênh này chưa phát huy hiệu quả. Ví dụ, phòng tham vấn học sinh lại do các giáo viên kiêm nhiệm nên học sinh không thấy dễ chịu và tự tin để chia sẻ phản hồi về các vấn đề của mình.

“Ở nhà, bố mẹ vẫn trừng phạt con bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo áp lực cho con trong học tập và nhân danh vì lợi ích của con để bắt con làm theo ý mình. Làm thế nào để việc truyền thông và giáo dục cho cha mẹ, thầy cô các phương pháp kỷ luật tích cực được rộng khắp? Nếu trẻ bị bạo lực, trẻ có thể phản ánh và kêu cứu bằng cách nào?,” một đại diện trẻ em lên tiếng.

[Tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình tại Việt Nam đang gia tăng]

Từ những thực trạng về trừng phạt trẻ em bằng bạo lực và thể chất, các em đã chất vấn các đại biểu tham dự đối thoại về các giải pháp chấm dứt trừng phạt bạo lực và tinh thần. Đại diện trẻ em thể hiện các mong muốn tiếng nói của các em được các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà trường, bố mẹ lắng nghe, thấu hiểu và cùng thảo luận với các em giải pháp.

“Chúng con mong muốn được lắng nghe và chia sẻ, trẻ em có thể mắc lỗi, nếu được nói chuyện, được khuyến khích, chúng con sẽ tự nhận ra và sửa chữa, cải thiện bản thân, nếu cứ đánh mắng trẻ em chúng con có thể chống đối và cố tình mắc lỗi,” đại diện trẻ em lên tiếng.

Trẻ em chia sẻ mong muốn được lắng nghe để cùng tìm giải pháp. (Ảnh: MSD)

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ: “Trong tiến trình làm việc với trẻ em, chúng tôi vẫn luôn trăn trở khi lắng nghe những câu chuyện của các bạn nhỏ như: ‘Bố mẹ lúc nào cũng bảo yêu con nhưng lại luôn đánh mắng con, sao yêu thương mà lại đau như vậy ạ?’ Đa số cha mẹ nghĩ rằng khi con mắc lỗi cần trừng phạt bằng đánh mắng, bằng roi vọt để con không tái phạm. Nhưng những hành động bạo lực thể chất tinh thần ấy chỉ làm tổn thương trẻ, khiến con trẻ nghĩ rằng chúng ta muốn làm trẻ đau để trừng phạt, để chính bố mẹ cảm thấy dễ chịu.”

Tư vấn dạy con qua tổng đài 111

Các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em đã đưa ra các khuyến nghị, giải pháp trong vấn đề chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần ban hành các chính sách và hướng dẫn nhằm ngăn chặn các hành vi trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em ở nhà trường và trong cộng đồng, và đặc biệt là trong gia đình, đặc biệt là các hành vi như đánh, mắng, phạt không cho ăn, bắt quỳ, sỷ nhục, so sánh...

Phản hồi lại những thông điệp của trẻ em, các tổ chức xã hội, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em khẳng định: “Ý kiến của trẻ em và các tổ chức xã hội rất quan trọng để các chính sách, chương trình bảo vệ trẻ em thực chất, hiệu quả. Thực tế, tiến trình xây dựng các chương trình quốc gia năm 2021-2025 đều được xây dựng dựa trên khảo sát ý kiến của trẻ em với sự hỗ trợ cả chuyên môn lẫn thực hiện bởi các tổ chức xã hội. Lắng nghe ý kiến của trẻ em và các tổ chức xã hội, chúng tôi thấy mình càng phải nỗ lực hơn nữa trong cả từ việc truyền thông, nâng cao nhận thức năng lực, can thiệp và hỗ trợ, bảo vệ trẻ em. Chúng ta cần kết nối tất cả các bên liên quan cùng chung một mục tiêu là để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh.”

Bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 không chỉ là kênh để các gia đình, nhà trường, trẻ em kêu gọi sự giúp đỡ khi bị bạo lực, xâm hại mà còn là kênh tư vấn giúp các bố mẹ, thầy cô, con cái cách thức đồng hành và vun đắp tình cảm, đối thoại, giáo dục bằng yêu thương.

Khẳng định vài trò tiếng nói của trẻ em, ông Lê Hải Long, Phó Trưởng Ban Công Tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho hay: “Là tổ chức đại diện và tiếng nói và nguyện vọng của trẻ em Việt Nam, chúng tôi đang và sẽ không ngừng nỗ lực trong việc tạo ra những cơ hội để trẻ em được trao đổi thẳng thắn những suy nghĩ và đề xuất những sáng kiến của mình. Chúng tôi mong muốn có được sự đồng hành của các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường và đặc biệt là trẻ em để công tác này được thực hiện toàn diện và hiệu quả.”

Nghiêm khắc không đồng nghĩa với roi vọt. Tình yêu dành cho con không nên được định nghĩa bằng roi vọt, bằng mắng mỏ, chỉ trích, so sánh, đó chắc chắn không thể là trải nghiệm yêu thương. Hơn nữa, đó là hành vi xâm phạm quyền trẻ em và có thể để lại những hậu quả lâu dài về phát triển sức khoẻ thể chất và tinh thần trẻ.

Bà Nguyễn Phương Linh bày tỏ: “Chúng tôi mong các gia đình hãy nghĩ lại, tình yêu hay giáo dục không bao giờ đồng hành cùng đòn roi và mắng mỏ, hay nước mắt. Những thông điệp như không đánh con, không quát mắng con, lắng nghe tích cực, đồng hành tìm giải pháp… nghe rất hay nhưng thực hiện rất khó. Nhưng cũng như trẻ em phải học để lớn lên và trưởng thành, đôi khi qua những va vấp, là những bậc cha mẹ, thầy cô, những người mang sứ mệnh nuôi dưỡng thế hệ tiếp sau, chúng ta cũng cần học và thay đổi”./.

 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục