Lan tỏa tình yêu đối với tiếng Việt tại đất nước Triệu Voi

Lễ tôn vinh tiếng Việt tại Lào năm 2024 nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt, giúp lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, tạo động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt.

Quang cảnh Lễ Tôn vinh tiếng Việt tại Lào. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)
Quang cảnh Lễ Tôn vinh tiếng Việt tại Lào. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Lễ tôn vinh tiếng Việt tại Lào năm 2024 nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt, giúp lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, tạo động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt

Hưởng ứng Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã phối hợp với Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane và Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào tổ chức Lễ tôn vinh tiếng Việt tại Lào năm 2024.

Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện quan trọng để từng bước đưa Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm trở thành dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam ở Lào.

Sự kiện đã thu hút sự tham gia đông đảo của con em trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Lào cũng như các thí sinh người Lào.

Tại sự kiện, chị Lanny Phetnion, giáo viên dạy tiếng Việt tại Đại học quốc gia Lào, Sứ giả tiếng Việt năm 2024 đã chia sẻ hành trình đến với tiếng Việt từ khi tốt nghiệp trung học phổ thông, khi vào học tiếng Việt từ "con số 0" tại trường Đại học Quốc gia Lào.

ttxvn_0809_tieng viet tai lao (2).jpg
Cô Lanny Phetnion, giáo viên dạy tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Lào, Sứ giả tiếng Việt năm 2024. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Mới đây, chị đã vượt qua gần 100 thí sinh trên khắp thế giới để trở thành người nước ngoài đầu tiên xuất sắc lọt vào danh sách 5 thí sinh đạt giải Sứ giả tiếng Việt trong cộng động người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, Sứ giả tiếng Việt tại Lào năm 2024 Lanny Phetnion nói chị hiểu rất rõ Lào và Việt Nam là hai nước có mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, do vậy, lúc nào chị cũng quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là tiếng Việt.

Khi biết tin mình là một trong 5 Sứ giả tiếng Việt, chị rất vui mừng, cảm thấy vinh dự và tự hào.

Chị Lanny Phetnion chia sẻ hiện nay, ngoài công việc là một giảng viên khoa tiếng Việt ở Đại học Quốc gia Lào, chị còn có một trung tâm ngoại ngữ ở thủ đô Vientiane, ở đó có rất nhiều học viên là người nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả những người đến từ châu Âu... cũng tham gia lớp học tiếng Việt.

Chị Lanny Phetnion cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục lan tỏa tiếng Việt, văn hóa, ẩm thực, địa điểm du lịch... của Việt Nam không chỉ đến với người Lào, mà cho bất kỳ những ai quan tâm và yêu tiếng Việt để họ hiểu về đất nước và con người Việt Nam.

Chị cũng hy vọng trong tương lai không xa, những học viên của chị cũng sẽ là những sứ giả tiếng Việt giúp lan tỏa hơn nữa tiếng Việt tới những người thân của họ, để thêm nhiều người trên thế giới biết đến Việt Nam.

ttxvn_0809_tieng viet tai lao (5).jpg
Em Chivanh Bounheuang, học sinh trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)

Đứng trên sân khấu đối diện với rất đông khán giả, các anh, chị và các bạn cùng trường, nhưng em Chivanh Bounheuang, học sinh lớp 5 trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du trong trang phục áo cờ đỏ sao vàng đã thể hiện phần thi kể chuyện tiếng Việt của mình về lá cờ Việt Nam rất dõng dạc và truyền cảm: “Dù có đi xa nơi đâu, lá cờ Việt Nam vẫn sẽ luôn trong tim em, luôn tự hào về nguồn gốc, về lịch sử của dân tộc mình.”

Câu chuyện mà Chivanh kể đã khiến không ít khán giả xúc động và giành số điểm tối đa từ ban giám khảo.

Em Chivanh cho biết cũng muốn trở thành một sứ giả tiếng Việt ở Lào giống như cô Lanny để lan tỏa tiếng Việt, lịch sử Việt, văn hóa Việt và đặc biệt là màu sắc và ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam đến tất cả mọi người.

Đối với bạn Khiliphan Kettavongsa, sinh viên Lào năm thứ 4, Khoa tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào, dù có một chút luyến tiếc vì không phải là những người đi đến cuối cùng phần thi “Rung chuông vàng” nhưng Khiliphan cũng cảm thấy rất vui vì được tham gia vào các cuộc thi trong Lễ tôn vinh tiếng Việt tại Lào năm nay.

ttxvn_0809_tieng viet tai lao (4).jpg
Em Khiliphan Kettavongsa, sinh viên Lào năm thứ 4, Khoa tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)

Khiliphan bày tỏ qua cuộc thi này bạn có được thêm nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý... của Việt Nam.

Trong tương lai, bạn cũng muốn được trở thành giáo viên dạy tiếng Việt để chia sẻ và lan tỏa những gì mình đã biết đến các thế hệ học sinh sau này, bởi Lào-Việt Nam là hai nước anh em và Khiliphan muốn làm những việc này để tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước.

Ông Phan Minh Chiến, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, cho biết Lễ tôn vinh tiếng Việt tại Lào năm 2024 nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt, giúp lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, tạo động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt, truyền cảm hứng tiếng Việt trong cộng đồng và bạn bè quốc tế, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

ttxvn_0809_tieng viet tai lao (1).jpg
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Lào Phan Minh Chiến. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng cộng đồng người Việt Nam ở Lào đẩy mạnh triển khai các hoạt động, phong trào hưởng ứng Ngày tôn vinh tiếng Việt, nhằm khuyến khích và lan tỏa phong trào dạy và học tiếng Việt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng người Việt Nam tại Lào trong việc tôn vinh, giữ gìn và phát triển tiếng Việt, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh, góp phần xây dựng quê hương đất nước và đặc biệt là luôn hướng về quê hương và không quên nguồn cội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục