Lan tỏa sâu rộng hơn nữa giá trị bền vững của "Nhật ký trong tù"

"Nhật ký trong tù" là tác phẩm có giá trị đời sống đặc biệt và giá trị văn hóa-nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, làm phong phú thêm di sản văn hóa và cách mạng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 18/8, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề 80 năm "Nhật ký trong tù-Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng."

Bí thư Trung ương Đảng-Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương nêu rõ "Nhật ký trong tù" là tác phẩm có giá trị đời sống đặc biệt và giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, làm phong phú thêm di sản văn hóa và cách mạng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất; góp phần quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa, tinh thần của dân tộc ta, nhân dân ta.

Với những giá trị to lớn và bền vững đó, ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận và tôn vinh tác phẩm "Nhật ký trong tù" là Bảo vật Quốc gia.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ cho biết Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương chọn chủ đề của Hội thảo là "80 năm Nhật ký trong tù-Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng" với mong muốn có cách nhìn nhận, đánh giá khoa học và đầy đủ hơn về sự ra đời, sức sống và giá trị lớn lao, sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn lao, sâu rộng của tác phẩm, không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Kết quả của Hội thảo là những luận cứ khoa học để Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương tư vấn giúp Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, giáo dục có những chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp thu và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của Bảo vật Quốc gia này.

Sau ba mươi năm đi khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước, mùa Xuân năm 1941, nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và thành lập Mặt trận Việt Minh, đưa cách mạng nước ta bước vào thời kỳ mới.

Trung tuần tháng 8/1942, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tên mới là Hồ Chí Minh, lên đường trở lại Trung Quốc với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược, nhằm chắp nối liên lạc với các nhà cách mạng Trung Quốc mà trước đó Người đã có mối quan hệ thân thiết.

Tuy nhiên, vào sáng 27/8/1942, khi vừa đến thị trấn Túc Vinh, huyện Thiên Bảo (nay là huyện Đức Bảo), tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và sau đó bị giam giữ ở nhà lao huyện Tĩnh Tây (ngày 29/8/1942).

Từ đây, Bác bắt đầu chuỗi 13 tháng đầy gian lao, khổ cực, qua 18 nhà giam khắp 13 huyện của tỉnh Quảng Tây. Đến ngày 10/9/1943, do không thể buộc tội Hồ Chí Minh và trước sức ép của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như dư luận của quốc tế, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã phải trả tự do cho Người.

[Phát hành cuốn "Nhật ký trong tù" nhân Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh]

Trong những ngày tháng bị giam cầm gian khổ đó, Bác đã viết tập Nhật ký bằng thơ chữ Hán gồm 133 bài, ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc về hiện thực đời sống trong tù, những điều trông thấy trên đường đi, tấm lòng nhớ thương đất nước, nhân dân và mong ngóng sớm trở về tiếp tục lãnh đạo cách mạng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tác phẩm "Nhật ký trong tù" có nhiều giá trị to lớn, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và trên thế giới. Từ năm 1960, tập "Ngục trung nhật ký" (tên tiếng Hán của "Nhật ký trong tù") đã được chuyển từ tiếng Hán sang tiếng Việt và sau đó được dịch ra các tiếng Nga, Ba Lan, Anh, Pháp, Hungary, Đan Mạch, Đức… Cho đến nay, tác phẩm đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng, được đông đảo người đọc trên thế giới đón nhận nồng nhiệt.

Sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ của "Nhật ký trong tù" suốt 80 năm qua lại trở thành chân lý của sáng tạo nghệ thuật: Khi đi đến tận cùng của tâm hồn, cảm xúc, thân phận con người, tình yêu Tổ quốc, sẽ bắt gặp cái chung cao đẹp của cộng đồng và của nhân loại.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, học giả đã trao đổi, thảo luận làm sáng tỏ hơn một số nhóm vấn đề, như quá trình chuyển ngữ tác phẩm cùng hành trình lan tỏa sâu rộng của "Nhật ký trong tù" ở giới nghiên cứu cũng như bạn đọc trong nước và thế giới; những giá trị tư tưởng, tầm cao trí tuệ, nghị lực phi thường của Hồ Chí Minh; giải pháp để phát huy tốt nhất giá trị độc đáo, đặc sắc của tác phẩm ở môi trường giáo dục nhà trường; trong giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho con người; trong đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, những bài học mà Bác đã suy ngẫm và rút ra trong những ngày tháng bị giam cầm cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bởi đó là những bài học được đúc kết từ thực tiễn hoạt động phong phú và trí tuệ sáng suốt của một vị lãnh tụ thiên tài.

Đến với tập thơ "Nhật ký trong tù," chúng ta gặp một người chiến sỹ cộng sản kiên cường, có nghị lực phi thường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong chốn ngục tù để đi đến ngày tự do.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, từ tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta tiếp nhận được nhiều bài học bổ ích, quý báu về bản lĩnh và đạo đức cách mạng thật cảm động và thấm thía.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định Hội thảo khoa học là dịp tìm hiểu sâu sắc hơn tầm cao tư tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong các nhà khoa học, văn nghệ sỹ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, giới thiệu những giá trị to lớn, đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của tập thơ, để lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế.

Nhân dịp này, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm, để tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh," vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục