Lan tỏa nghĩa tình mùa dịch thông qua mô hình siêu thị 0 đồng

Hà Nội đang trong những ngày oằn mình chống dịch, mọi thứ đều thiếu thốn nhưng chính từ đó những mô hình tình nghĩa “0 đồng” đã ra đời để mọi người có thể tựa vào nhau cùng vượt qua khó khăn.
“Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” tại Thủ đô bắt đầu mở cửa để tiếp sức cho những người lao động và sinh viên đang gặp khó khăn do dịch bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” tại Thủ đô bắt đầu mở cửa để tiếp sức cho những người lao động và sinh viên đang gặp khó khăn do dịch bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bàn thành phố Hà Nội, những mô hình “gian hàng 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “ATM gạo”, “ATM thực phẩm”… đã phát huy và lan tỏa nghĩa tình "nhường cơm sẻ áo" của người dân trong khó khăn. 

Siêu thị "0 đồng" sẻ chia với người khó khăn

Để kịp thời hỗ trợ người dân trong địa bàn, chiều nay (1/8) tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” tại Thủ đô bắt đầu mở cửa để tiếp sức cho những người lao động và sinh viên đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Chương trình do Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội-Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức triển khai. Ngoài ra, “Siêu thị mini 0 đồng” tại Hà Nội cũng được bảo trợ bởi Sở Công thương thành phố Hà Nội.

Theo đó, siêu thị sẽ phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu của gần 1.000 lao động bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm do COVID-19, sinh viên nghèo mắc kẹt tại các khu ký túc xá, người khuyết tật, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và các nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế khác.

Trong siêu thị có tới 60 mặt hàng được xếp ngay ngắn trên kệ từ thực phẩm khô, đến các thực phẩm tươi, gia vị, rau củ quả…, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; trong đó có nhiều sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội. Mỗi sản phẩm đều có giá niêm yết rõ ràng, nhưng người dân không cần phải băn khoăn về số tiền bỏ ra để mua được các món mình cần.

Bằng cách phát cho mỗi hộ gia đình một “Phiếu quà tặng” trị giá 400.000 đồng, từng hộ sẽ đến siêu thị vào những ngày giờ được quy định khác nhau. Mỗi lần vào siêu thị mua sắm không quá 3 người, ban tổ chức đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K phòng, chống dịch trong quá trình mua sắm tại siêu thị. 

Bà Nguyễn Thị Thúy (Tổ 4, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ) là một trong những người khó khăn đến mua sắm tại siêu thị mini “0 đồng” trong phiên chiều nay. Bà T xúc động cho biết gia đình bà có hai con đang bị câm điếc,  do dịch bệnh nên gặp nhiều khó khăn vì các công việc thời vụ đã bị ngưng hoạt động. Do vậy, việc nhận được tấm vé với trị giá 400.000 đồng đã khiến bà rất xúc động vì có thể mua được một số mặt hàng thiết yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình.

Ông Lê Thanh Mẽ (73 tuổi, sống tại tập thể Mỏ địa chất) tay đang cầm lá phiếu đắn đo chọn những món hàng thiết yếu trong mức giá cho phép. Theo ông M, các thực phẩm tại "chợ 0 đồng" đều tươi ngon, đầy đủ và cho biết sau khi sử dụng hết thực phẩm, ông sẽ tiếp tục quay lại mua sắm thêm những mặt hàng khác. Thời điểm này, "Gian hàng 0 đồng" như một làn gió mát giúp ông và bà con khu phố cảm thấy phấn khởi và hạnh phúc hơn.

Có thể nói, việc tổ chức siêu thị 0 đồng dành cho những hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo trong hoàn cảnh Thủ đô đang phải giãn cách khiến họ mất đi thu nhập là một giải pháp thiết thực để giúp đỡ họ giảm đi những lo toan trong cuộc sống hàng ngày.

Lan tỏa nghĩa tình mùa dịch thông qua mô hình siêu thị 0 đồng ảnh 1Những mô hình tình nghĩa đang được nhân rộng trong những ngày Hà Nội phải chống chịu những khó khăn từ dịch bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lan tỏa những tấm lòng trong gian khó

 Bên cạnh ‘’Siêu thị mini 0 đồng'’ offline dành cho các đối tượng lao động khó khăn ngay tại địa bàn sinh sống, Ban tổ chức còn triển khai thêm mô hình “Siêu thị mini 0 đồng’’ online thuận tiện hơn các cho các bạn sinh viên nghèo. Trong tuần đầu tháng 8/2021, các đơn vị dự kiến sẽ thí điểm thêm 3 điểm siêu thị như vậy, sau đó nhân rộng ra hơn 20 điểm trên khắp địa bàn thành phố với hàng chục nghìn “Phiếu quà tặng.”

Ông Trần Quang Hưng, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết: “Qua hoạt động này, chúng tôi muốn đem đến nhu yếu phẩm cần thiết cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội và lan tỏa tình yêu thương giữa con người. Đối với những người không đến mua được, tình nguyện viên của chúng tôi sẽ mang nhu yếu phẩm đến gia đình để hỗ trợ.”

[Hà Nội góp sức chăm lo cho người yếu thế trong thời đại dịch]

Trước đó, mô hình tương tự cũng đã được tổ chức bởi đại sứ quán New Zealand phục vụ 1.500 công nhân của khu công nghiệp Thăng Long, những người đang chịu ảnh hưởng về việc làm và thu nhập do COVID-19. Các mặt hàng trong siêu thị 0 đồng gồm gạo, trứng, ngũ cốc, rau, mỳ tôm, khẩu trang và thuốc sát trùng. Mỗi khách hàng ghé thăm siêu thị được chọn một gói nhu yếu phẩm trị giá 200.000 đồng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã xuất hiện nhiều mô hình tình nghĩa khác như hai chuyến “xe buýt siêu thị 0 đồng” mang theo những túi quà chứa gạo, dầu ăn, nước mắm… tới tay công nhân lao động tại các công ty thuộc  Liên đoàn lao động huyện Mê Linh và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội hay mô hình “bữa cơm nghĩa tình” mùa dịch của Trung tâm tình nguyện Quốc gia và Đội thần tốc Hà Nội…

Dù được mở ra ở đâu, do đơn vị nào tổ chức thì điểm chung của các mô hình này là đều nhằm giúp san sẻ những khó khăn, nỗi lo về đời sống hàng ngày cho người dân trong hoàn cảnh dịch bệnh, thất nghiệp. Trong thời điểm khó khăn này, dù là doanh nhân hay sinh viên hoặc những người lao động bình thường, mọi tấm lòng sẻ chia đều trở nên đáng quý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục