Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống, sức khỏe con người, nhiều năm qua, các cuộc vận động bảo vệ môi trường đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của phụ nữ tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhiều cách làm hay, sáng tạo và mô hình hiệu quả của các cấp Hội Phụ nữ đã tạo sự chuyển biến tích cực, cải thiện chất lượng môi trường cho Cố đô Huế ngày càng sạch đẹp hơn.
Nếp sống xanh từ những việc làm đơn giản
Về thôn Phước Phú (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) - nơi nổi tiếng với nghề làm gốm làng cổ Phước Tích, mọi người đều cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt của làng quê nơi đây. Những con đường ven sông sạch sẽ; các hàng cây rợp lá xanh mướt và lối vào ngõ, xóm thông thoáng hơn.
Thành quả này có được là nhờ sự nỗ lực của các hội viên, phụ nữ trong thôn từ khi địa phương phát động các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh,” “60 phút sạch nhà-đẹp ngõ...”
Bắt đầu từ những việc làm đơn giản tại chính tổ ấm của mình, các hội viên Hội Phụ nữ thôn Phước Phú bắt tay làm sạch nhà bếp, cửa ngõ và trồng hoa trong vườn. Nhà này nhìn nhà kia, học hỏi kinh nghiệm và cùng chia sẻ cách trồng hoa, chăm sóc gia đình.
Nhiều nhà đã dựng hàng rào trồng thêm các loại hoa màu có giá trị kinh tế như bầu, bí, mồng tơi, rau ngót. Nhờ đó, thôn Phước Phú không chỉ được “thay áo” sạch sẽ và tươi đẹp hơn mà các chị em cũng có thêm thu nhập cho sinh hoạt hàng ngày.
Chị Phan Thị Hồng Thanh, Chi hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ thôn Phước Phú cho hay, với cách làm “mưa dầm thấm lâu,” chị cùng các hội viên trong thôn hàng tuần đi từng nhà, vận động mọi người cùng làm sạch tuyến đường dẫn vào khu làng cổ.
Dần dần, mọi người đã nhiệt tình tham gia. Các tuyến đường có hộ gia đình neo đơn, không tự vệ sinh được, các hội viên thay phiên nhau giúp đỡ, trồng cây, làm hàng rào xanh. Thành quả chính là 600m tuyến đường hoa được tạo nên đã tô sắc cho thôn Phước Phú.
[Xúc tiến du lịch Ấn Độ vào các tỉnh Nam Trung Bộ của Việt Nam]
Tại xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền), công việc mưu sinh của phần lớn phụ nữ đều phụ thuộc vào nông nghiệp và trồng cây hoa màu. Vì thế, từ khi tham gia lớp tập huấn mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp vi sinh bản địa IMO do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức, nhiều chị đã phát triển được những vườn rau thân thiện môi trường.
Với các bước thực hiện đơn giản như cho rác thải hữu cơ vào từng chiếc túi, trộn với đường đen và ủ kín trong khoảng 10 ngày..., các hội viên đã có được men vi sinh IMO tốt cho cây trồng, hoa màu. Chị Văn Thị Thìn (xã Quảng Thái) chia sẻ, sau thời gian dùng men vi sinh IMO, vườn rau của chị đã xanh tốt hơn. Rau quả thu hoạch không bị sâu phá hoại, tiết kiệm được chi phí phân bón và hạn chế lượng rác thải ra môi trường.
Việc làm của các hội viên Hội Phụ nữ thôn Phước Phú và xã Quảng Thái chỉ là hai trong số những cách làm hay trên toàn tỉnh để chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng Thừa Thiên-Huế xanh, sạch, sáng.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ, không dừng lại là một phong trào mà “Ngày Chủ nhật xanh” đã được các cấp Hội Phụ nữ tỉnh cụ thể hóa bằng các mô hình, việc làm thiết thực.
Để phong trào không bị “nguội lạnh,” các hội viên cần tiếp tục khơi dậy, hâm nóng và duy trì các mô hình, việc làm này trở thành “hạt nhân” lan tỏa các phong trào giữ gìn vệ sinh chung, tạo nếp sống xanh trong toàn cộng đồng, môi trường xanh cho địa phương.
Lan tỏa nếp sống xanh
Khởi nguồn từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phát động từ năm 2019, đến nay, người dân thành phố Huế vẫn đang nỗ lực, duy trì các phong trào “Thành phố bốn mùa hoa,” “Mai vàng trước ngõ,” “Sắc hồng Cố đô...” Các phong trào này đã dần khiến diện mạo thành phố bên dòng sông Hương càng thêm hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Huế đã cùng các đoàn thể phục hồi, nhân giống và chăm sóc các loại hoa hồng Huế. Từ đây, các phong trào lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân các phường, xã, khu dân cư. Qua thời gian phát động, hơn 2.000 cây hoa hồng và hơn 2.500 cây các loại đã được trồng, tạo nên những tuyến đường hoa, vườn hoa đẹp mắt cho địa phương.
Không riêng thành phố Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) đã cùng các tổ chức, đoàn thể cấp phát cho các hội viên, phụ nữ, người dân địa phương 50 gốc giống Mai tứ quý và ươm giống 450 cây hoa Giấy, Tường vy để nhân rộng các tuyến đường hoa tại các tổ dân phố.
Ngoài ra, hàng chục lu hoa giấy, cây mai được trang trí dọc các tuyến đường lớn của địa phương mỗi ngày đều được người dân tưới nước, chăm sóc cẩn thận.
Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thị trấn Phú Lộc Đào Ngọc Thủy chia sẻ: Các tuyến đường hoa này không chỉ tô đẹp cho địa phương mà còn tạo nên động lực để người dân bảo vệ môi trường và lan tỏa ý thức sống xanh, làm đẹp thôn xóm. Ngoài làm tốt công tác chăm sóc tuyến đường hoa chung, nhiều hộ gia đình còn chủ động trồng cây, chăm hoa tạo nên vườn hoa, cảnh quang đẹp mắt cho ngôi nhà của mình.
Phụ nữ thị xã Hương Thủy và huyện Phong Điền không chỉ tuyên truyền các hội viên hạn chế sử dụng rác thải nhựa mà còn khiến những phế liệu này trở nên ý nghĩa hơn. Các vỏ lon, chai nhựa… sau khi được phân loại hàng ngày được thu gom bán để gây quỹ ủng hộ các hội viên, phụ nữ nghèo và trẻ em mồ côi trên địa bàn.
Mô hình này đã giúp các địa phương giảm được rác thải, tiết kiệm chi phí thu gom và mang đến nhiều phần quà thiết thực cho người dân, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái giữa các hội viên.
Đề án “Ngày Chủ nhật xanh” được Hội Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện hiệu quả với nhiều mô hình hay cùng đa dạng các hình thức thực hiện, phù hợp điều kiện từng địa phương. Thời gian qua, các cấp hội đã tổ chức ra quân 156 đợt dọn vệ sinh, làm sạch hơn 31.000 tuyến đường, ngõ xóm và trồng cây xanh tại các tuyến phố, thôn, xóm.
Các phong trào xây dựng Thừa Thiên-Huế xanh, sạch, sáng đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ của mỗi người dân, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của mỗi gia đình. Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ thành thị đến nông thôn, bớt đi nhiều rác thải, thêm nhiều cây xanh là những hành động giúp tạo nên diện mạo mới cho Cố đô Huế./.