Làn sóng tin giả sẽ tác động tiêu cực đến chương trình vắcxin COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo về một làn sóng "bệnh dịch thông tin" gồm tin tức giả và thông tin sai lệch về căn bệnh mới nguy hiểm này trên các mạng truyền thông xã hội.
Làn sóng tin giả sẽ tác động tiêu cực đến chương trình vắcxin COVID-19 ảnh 1Nghiên cứu viên thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 do Đại học Oxford phát triển tại bệnh viện Churchill ở Oxford, Anh. (Ảnh: PA/TTXVN)

Thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan nhanh trên khắp thế giới hồi tháng 2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo về một làn sóng "bệnh dịch thông tin" gồm tin tức giả và thông tin sai lệch về căn bệnh mới nguy hiểm này trên các mạng truyền thông xã hội.

Đến nay, khi triển vọng sớm có được vắcxin ngừa COVID-19 đang ngày càng rõ ràng, tổ chức này một lần nữa cảnh báo thông tin giả và sai lệch có thể gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng vốn được xây dựng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng dịch bệnh này đang gây ra. 

WHO khẳng định COVID-19 là đại dịch đầu tiên trong lịch sử mà trong đó công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng trên quy mô lớn để bảo vệ mọi người an toàn, giúp người dân có được thông tin và được kết nối.

Tuy nhiên, WHO nêu rõ mặt trái của việc con người phụ thuộc vào công nghệ để duy trì kết nối và được cung cấp thông tin, chính là sự khuếch đại "bệnh dịch thông tin" và điều này sẽ tiếp tục làm suy yếu nỗ lực ứng phó với COVID-19 trên toàn cầu và gây tổn hại cho các biện pháp khống chế dịch bệnh. 

Trên thực tế, dịch bệnh COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,4 triệu người trên toàn cầu kể từ khi dịch bệnh được phát hiện vào tháng 12/2019 tại Trung Quốc và đến nay mới chỉ có 3 loại vắcxin ngừa COVID-19 do các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Oxford bào chế, được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xem xét cho phép lưu hành vào tháng 12 tới. 

WHO định nghĩa "bệnh dịch thông tin" là một lượng thông tin dư thừa, cả trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm cả những âm mưu có suy tính nhằm gieo rắc thông tin sai lệch. 

Ngoài các vấn đề về hậu cận, chính phủ các nước cũng phải đối mặt với sự hoài nghi về vắcxin được phát triển với tốc độ kỷ lục vào thời điểm mà phương tiện truyền thông vừa là công cụ để cung cấp thông tin, vừa thông tin sai lệch về virus. 

[Tình nguyện thử nghiệm vắcxin COVID-19: Hành động vì mục tiêu cao cả]

Thực tế, từ tháng 1/2020 đến nay, hãng tin AFP của Pháp đã phát hơn 2.000 bài viết kiểm chứng sự thật để loại bỏ những thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

WHO nhấn mạnh rằng nếu không có những thông tin chính xác và đáng tin cậy, nhiều phương pháp chẩn đoán sẽ không được sử dụng, các chiến dịch tiêm chủng (hay các chiến dịch quảng bá vắcxin hiệu quả) sẽ không đạt được mục tiêu và virus sẽ tiếp tục lây lan. 

Ông Sylvain Delouvee - nhà nghiên cứu thuộc khoa Tâm lỹ xã hội thuộc Đại học Rennes-2 cho biết với thông tin lạc quan về phát triển vắcxin ngừa COVID-19, chính phủ của nhiều nước đã lên kế hoạch bắt đầu tiêm chủng cho nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất ngay trong năm nay.

Tuy nhiên, cả Facebook, Twitter, YouTube hay WhatsApp đều đang hoạt động như một công cụ trung gian dẫn dắt thông tin không minh bạch và giả. Nhà nghiên cứu này cho rằng mức độ thông tin giả đang được phát tán ngoài mức kiểm duyệt. Ông Rory Smith thuộc trang chống tin giả First Draft cùng đồng ý với nhận định trên.

Ông Smith cho rằng, từ góc độ thông tin, cuộc khủng hoảng dịch bệnh không chỉ gây ra "bệnh dịch thông tin" trên toàn cầu, mà những thông tin giả tác động tiêu cực đến sự tin tưởng vào vắcxin, các tổ chức và các phát hiện khoa học. 

Rachel O'Brien, người đúng đầu bộ phận tiêm chủng của WHO, cho rằng cơ quan này lo ngại thông tin sai lệch được phong trào bài vắcxin tuyên truyền có thể gây ảnh hưởng đến nhận thức của mọi người về sự cần thiết tiêm vắcxin như một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu, từ đó khiến nhiều người quay lưng với các chương trình tiêm chủng. 

Giáo sư Steven Wilson thuộc Đại học Brandeis University và là đồng tác giả của nghiên cứu có tựa đề "Truyền thông xã hội và Sự đắn đo với vắcxin," phát hiện mối liên quan giữa những chiến dịch gây lũng loạn thông tin trực tuyến và sự sụt giảm số người tiêm chủng. 

Theo kết quả thăm dò do Ipsos thực hiện và công bố hồi tháng 10, chỉ có 54% người Pháp được hỏi cho biết họ sẽ đi tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19. Con số này thấp hơn 10 điểm% so với người tham gia thăm dò tại Mỹ, 22 điểm % tại Canada và 33 điểm% tại Ấn Độ.

Số người cho ý kiến sẵn sàng đi tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại 15 nước trong 2 cuộc thăm dò tháng 10 và tháng 8 cũng có sự chênh lệch, 77% vào tháng 8 và giảm còn 73% vào tháng 10. 

Điều đáng nói là không chỉ mất sự tin tưởng vào vắcxin, các kết quả thăm dò còn cho thấy ngày càng có nhiều người hoài nghi về các tổ chức y tế.

Có thể thấy rõ thực tế trong khi virus SARS-CoV-2 đang gặm nhấm sức khỏe người bệnh, "bệnh dịch thông tin" bào mòn sức đề kháng của con người trước những thông tin giả và sai lệch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục