Làn sóng sa thải tấn công lĩnh vực công nghệ của Bắc Mỹ

Mặc dù làn sóng sa thải hiện chủ yếu diễn ra tại Mỹ, nhưng lĩnh vực công nghệ ở Canada được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và việc cắt giảm nhân sự đã bắt đầu.
Làn sóng sa thải tấn công lĩnh vực công nghệ của Bắc Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: wealthprofessional.ca)

Tâm lý lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế đang gia tăng và các công ty công nghệ trên khắp Bắc Mỹ đang chuẩn bị cho kịch bản này với việc "đóng băng" tuyển dụng và sa thải nhân viên.

Dữ liệu trên trang web theo dõi tình trạng sa thải trong lĩnh vực công nghệ layoffs.fyi cho thấy gần 17.000 lao động của hơn 70 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ trên khắp thế giới đã bị sa thải vào tháng 5. Con số này tăng tới 350% so với tháng 4 và cũng là lượng việc làm lớn nhất mà ngành công nghệ để mất kể từ tháng 5/2020.

Mặc dù làn sóng sa thải hiện chủ yếu diễn ra tại Mỹ, nhưng lĩnh vực công nghệ ở Canada được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và việc cắt giảm nhân sự đã bắt đầu.

Nhà đồng sáng lập công ty Wealthsimple - ông Michael Katchen, cho biết do những thay đổi về điều kiện thị trường, Wealthsimple đã phải đưa ra một quyết định khó khăn là giảm quy mô lực lượng lao động, với việc sa thải 159 trong số 1.262 nhân viên.

[Mỹ: Thông báo sa thải dồn dập thổi bùng lo ngại về suy thoái kinh tế]

Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa việc sa thải liên quan đến đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và thời điểm hiện tại. Nhiều công ty sa thải nhân sự hiện nay đều có vốn hóa tốt, được gọi là "kỳ lân" chỉ một năm trước.

Vào năm 2020, việc cắt giảm lao động được cho là do một đại dịch chưa từng có khiến các kế hoạch tăng trưởng trở nên khó khăn hơn, trong khi vào năm 2022, động thái thu hẹp nhân lực được đưa ra ngay sau khi các doanh nghiệp vừa chứng kiến sức tăng trưởng mạnh mẽ chỉ vài tháng trước đó.

Theo ông René Lalonde, Giám đốc phụ trách mảng mô hình và dự báo của ngân hàng Nova Scotia, nguy cơ suy thoái kinh tế ở Canada sẽ gia tăng nếu lạm phát cao kéo dài. Ông cho rằng lạm phát cao hơn sẽ dẫn đến sự xói mòn thu nhập thực tế và đòi hỏi lãi suất cao hơn, cả hai nhân tố đều ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.

Nova Scotia ước tính nếu lạm phát cao hơn 7% trong nửa cuối năm nay sẽ dẫn đến suy thoái (do chính sách tiền tệ gây ra) vào nửa cuối năm 2023 vì Ngân hàng trung ương Canada sẽ cần tăng lãi suất lên 4,25% để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Người dân Canada hiện cũng có tâm lý khá bi quan về khả năng nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái, trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh và lạm phát cao tiếp tục làm suy giảm sức mua của tiền lương và tiền tiết kiệm.

Cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu Nanos Research thực hiện vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 cho thấy 80% người Canada lo ngại hoặc có phần lo ngại về nguy cơ xảy ra suy thoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục