Bài 1: Lợi bất cập hại từ các biện pháp tự bảo vệ của Mỹ và Australia

Làn sóng ồ ạt “chảy máu chất xám” ở Mỹ và Australia - Bài 1

Điều gì đã khiến hàng loạt các nhà khoa học và các sinh viên có tiềm năng ồ ạt rút khỏi nước Mỹ và Australia? Chùm 2 bài viết sẽ phân tích nguyên do tình trạng này.
Sáng kiến Trung Quốc là một chương trình của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc. (Nguồn: Nikkei/AP)

Bài 1: Lợi bất cập hại từ các biện pháp tự bảo vệ của Mỹ và Australia

Theo trang mạng abc.net.au, tại các trường đại học và các viện nghiên cứu ở Australia và Mỹ, các hành động chống lại sự can thiệp của nước ngoài và hành vi đánh cắp công nghệ đã được tiến hành từ năm 2018.

Tuy nhiên, những người trong ngành cũng bày tỏ lo ngại về những thiệt hại đối với các lĩnh vực STEM (viết tắt của 4 khối ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) của Australia và Mỹ, cho rằng các biện pháp này đang khiến các sinh viên có tiềm năng rời xa hai nước, và điều đó tạo cơ hội cho Trung Quốc.

Các nhà khoa học Trung Quốc ồ ạt rời khỏi Mỹ

Năm 2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã đưa ra “Sáng kiến Trung Quốc” gây tranh cãi nhằm tìm cách bảo vệ các phòng thí nghiệm và các doanh nghiệp của Mỹ khỏi hoạt động gián điệp kinh tế.

Kể từ đó, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) đã điều tra khoảng 150 nhà khoa học về mối liên hệ của họ với Trung Quốc. 20 người trong số họ sau đó đã bị buộc tội. DoJ đã thắng hầu trong hầu hết các vụ mà họ nêu ra.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ “Sáng kiến Trung Quốc," nhiều trường hợp bị cáo buộc làm gián điệp hoặc gián điệp kinh tế đã được loại bỏ trước khi bị đưa ra xét xử.

Chương trình này cũng bị cáo buộc phân biệt chủng tộc chống lại các nhà khoa học gốc Trung Quốc.

Tháng 2/ 2022, DoJ tuyên bố hủy chương trình gây tranh cãi này, thay thế bằng các biện pháp mới không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn cả các quốc gia khác. Tuy nhiên, hiệu ứng “ớn lạnh” của chương trình đã lan rộng trong cộng đồng các nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa.

Một báo cáo gần đây do Diễn đàn học giả người Mỹ gốc Á đưa ra cho thấy năm 2021, ít nhất 1.400 nhà khoa học Trung Quốc do Mỹ đào tạo đã chuyển công tác từ các tổ chức của Mỹ sang các tổ chức của Trung Quốc.

Báo cáo cũng cho thấy 72% trong số hơn 1.300 học giả được khảo sát cảm thấy không an toàn, trong khi khoảng 40% các nhà khoa học cho biết họ sợ tiến hành nghiên cứu ở Mỹ.

Gisela Kusakawa, Giám đốc điều hành của Diễn đàn học giả người Mỹ gốc Á, cho biết “Sáng kiến Trung Quốc” đã gieo rắc nỗi sợ hãi sâu sắc về việc phân biệt chủng tộc và nhắm mục tiêu vào các nhà khoa học nhập cư.

Bà nói: "Có cảm giác rằng dù bạn ở lại đất nước này bao lâu, dù bạn đóng góp bao nhiêu, thì bạn cũng sẽ vẫn không được đối xử giống như những người Mỹ gốc, bạn sẽ phải chịu sự giám sát ở mức độ cao hơn."

Bà Kusakawa không chỉ lo lắng về số lượng học giả rời Mỹ, mà bà còn nhận thấy các nhà nghiên cứu trẻ đang quay lưng lại với Mỹ do lo ngại về sự giám sát chính trị.

Bà nói: "Chúng ta đang chứng kiến Mỹ bị chảy máu chất xám từ một cộng đồng đã thực sự tạo ra các tác động tích cực, to lớn cho nền khoa học và công nghệ của Mỹ."

Australia đối mặt với tình trạng tương tự

Không chỉ Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài năng khoa học, mà ngay cả Australia cũng vậy, thậm chí nước này có khả năng phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng hơn. Lĩnh vực STEM của Australia phụ thuộc rất nhiều vào người di cư, đặc biệt là liên quan đến các công việc đòi hỏi tay nghề cao.

Theo Báo cáo lực lượng lao động STEM năm 2020 của Australia, trong số 11,5 triệu người trong lực lượng lao động Australia năm 2016, chỉ 6% có bằng đại học STEM. Trong số 6% đó, hơn một nửa được sinh ra ở nước ngoài.

Tuy nhiên, khu vực đại học của Australia, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn sinh viên quốc tế Trung Quốc, đã phải đối mặt với các câu hỏi về sự can thiệp của nước ngoài.

[Trung Quốc lo ngại tình trạng ''chảy máu chất xám'']

Bart Hogeveen, người đứng đầu bộ phận xây dựng năng lực không gian mạng tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), cho biết có "nhiều dấu hiệu" cho thấy Trung Quốc đang tìm kiếm thông tin công nghệ và tài sản trí tuệ từ nước ngoài.

Ông nói: "Trung Quốc đã thể hiện rõ tham vọng biến chính sách 'Made in China' (Sản xuất tại Trung Quốc) thành 'cường quốc công nghệ của thế giới' theo cách nói của họ."

Để đối phó với những lo ngại ngày càng tăng, năm 2018, Chính phủ Australia đã thực hiện 2 luật mới để chống lại ảnh hưởng và sự can thiệp của nước ngoài.

Một năm sau, họ thành lập Lực lượng đặc nhiệm can thiệp nước ngoài trong các trường đại học, lực lượng này sau đó đã đưa ra hướng dẫn về bảo vệ lợi ích quốc gia trong khi phát triển quan hệ đối tác học thuật quốc tế, tiến hành thẩm định và giảm thiểu rủi ro kinh doanh trên mạng.

Sinh viên Trung Quốc tại Australia. (Nguồn: The Times Higher Education)

Tháng 3/2022, sau một cuộc điều tra kéo dài 1 năm, Ủy ban hỗn hợp của Nghị viện về Tình báo và An ninh đã công bố một báo cáo dài 171 trang với 27 khuyến nghị về việc ngăn chặn rủi ro an ninh quốc gia tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Australia.

Ông Hogeveen cho biết các tổ chức học thuật và các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã đánh giá lại mối liên kết và sự cởi mở về trí tuệ của họ với Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trong khi các nhà lãnh đạo các trường đại học và những người ủng hộ nhân quyền thừa nhận sự cần thiết của các biện pháp như vậy, một số người lại lo ngại rằng nó có thể gây ra hậu quả cho tương lai của Australia.

Các nhà khoa học nổi tiếng của Australia đang tuyển dụng các nhà nghiên cứu tài năng từ nước ngoài, song các sinh viên tiềm năng của họ bị chậm visa vì phải chịu sự kiểm tra an ninh quốc gia.

Kể từ năm 2018, hàng trăm ứng viên tiến sỹ và nhà nghiên cứu sau tiến sỹ - bao gồm cả những người đến từ Trung Quốc - được cho là đã phải chờ 3 năm mới được cấp thị thực, mà theo Bộ Nội vụ, sự chậm trễ đó là do phải "kiểm tra an ninh quốc gia theo luật định."

Dayong Jin, một nhà khoa học người Australia gốc Hoa và là giáo sư nổi tiếng về thiết bị y sinh tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết mặc dù ở Australia chưa xảy ra tình trạng hàng loạt nhà khoa học rút đi như ở Mỹ, song trong 4 năm qua, ít nhất hơn một chục sinh viên mà ông tuyển dụng đã từ bỏ Australia và quyết định gia nhập các trường đại học ở Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và châu Âu.

Ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng thu hút những tiến sỹ giỏi, song điều đó rất khó khăn. Nếu chúng ta không thu hút được nhân tài thì về cơ bản, điều đó sẽ giết chết lĩnh vực này"./.

Bài cuối: Trung Quốc - “ngư ông đắc lợi”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục