Làn sóng khủng bố gia tăng, thách thức mới với an ninh toàn cầu

Vào những ngày cuối năm 2014, cộng đồng quốc tế thực sự choáng váng trước làn sóng khủng bố gia tăng mạnh mẽ với hàng loạt vụ tấn công, bắt giữ con tin và thảm sát dã man.
Làn sóng khủng bố gia tăng, thách thức mới với an ninh toàn cầu ảnh 1Vận chuyển nạn nhân một vụ tấn công khủng bố ở Pakistan. (Nguồn: AFP)

Vào những ngày cuối năm 2014, cộng đồng quốc tế thực sự choáng váng trước làn sóng khủng bố gia tăng mạnh mẽ với hàng loạt vụ tấn công, bắt giữ con tin và thảm sát dã man của mạng lưới Al-Qaeda, Taliban, Boko Haram,…

Đặc biệt, sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong nhiều tháng qua khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Với những hành động khủng bố man rợ và âm mưu tiếp tục mở rộng diện tích chiếm đóng, IS đang trở thành mối đe dọa an ninh toàn cầu. Một liên minh quốc tế, với sự tham gia của khoảng 60 nước do Mỹ đứng đầu, đã được thành lập để chống lại IS. Tuy nhiên, cho tới nay, chiến dịch này vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Kể từ khi chính thức đẩy mạnh hoạt động từ tháng 4/2014 đến nay, IS đã trở thành một tổ chức khủng bố nguy hiểm, thậm chí hơn cả mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda mà IS là “con đẻ.”

Với phương thức hoạt động gần giống al-Qaeda nhưng tàn bạo và có chiến lược bài bản hơn, IS đã nhanh chóng chiếm được nhiều vùng đất rộng lớn ở Trung Đông, thách thức trật tự địa chính trị ở “chảo lửa” thế giới.

Hiện lực lượng này đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq và Syria, cùng nhiều vùng đất ở Yemen, Marocco, Tunisia, Algeria và bán đảo Sinai của Ai Cập.

Nhiều khu vực IS đang chiếm đóng có những mỏ khí, giếng dầu trữ lượng lớn giúp đảm bảo cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho lực lượng này. Tham vọng lớn nhất của IS là thành lập một nhà nước riêng để kiểm soát toàn bộ thế giới Hồi giáo. Nhà nước đó được đặt tên là “caliphate” và sẽ được lãnh đạo bằng luật Sharia hà khắc.

Cho tới nay, không có nguồn tin chính thức về số lượng thành viên của IS, nhưng hầu hết các con số dự đoán dao động từ 50.000-200.000, cao gấp nhiều lần con số khoảng 30.000 tay súng được đưa ra lúc đầu.

Đáng chú ý là trong số này có khoảng 20.000 tay súng nước ngoài từ khắp các châu lục, kể cả Mỹ và châu Âu. Những tay súng này được ví như những “quả bom nổ chậm” một khi được IS cử về thực hiện đánh bom ngay tại quê nhà.

Một thực tế đáng quan ngại là dù có phương thức hoạt động vô cùng tàn bạo và tư tưởng đặc biệt cực đoan, song IS đang ngày càng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tổ chức và cá nhân cực đoan trên thế giới. Hầu hết các tổ chức thánh chiến lớn ở Trung Đông, châu Phi, Nam Á tới những cá nhân theo quan điểm cực đoan ở Mỹ và châu Âu đều tỏ ý ủng hộ lực lượng này. Sự ủng hộ rộng khắp đang tạo ra mối đe dọa thường trực cho các chính phủ ở khắp các châu lục.

IS đã kéo phương Tây vào một cuộc chiến chưa biết bao giờ mới có hồi kết. Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã tiến hành không kích nhiều mục tiêu của lực lượng này ở Iraq và Syria, thậm chí cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd, song cho đến nay, chiến dịch này vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Chiến lược của liên minh quốc tế chống IS đang bộc lộ nhiều vấn đề, từ sự lúng túng trong hành động tới những mâu thuẫn giữa các nước thành viên do xung đột lợi ích.

Giới chuyên gia đã bắt đầu bàn đến các phương án khác cho cuộc chiến chống IS. Một số nhà quan sát cho rằng liên minh cần sử dụng bộ binh để tiêu diệt IS. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã bị Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu bác bỏ do lo ngại khả năng bị “sa lầy.”

Theo một số chuyên gia, 3 yếu tố có thể kết hợp để chiến thắng IS là không kích, phối hợp với quân đội địa phương và đặc biệt là cần một khuôn khổ chính sách liên kết chặt chẽ.

Các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang tranh luận về một chiến lược thay thế, nhưng dường như họ không bàn tới chuyện chiến đấu thế nào cho hiệu quả, mà là làm thế nào để thoát khỏi cuộc chiến này.

Một chuyên gia về chính sách đối ngoại Ai Cập thậm chí nhấn mạnh: "Các nước Arab trong liên minh hiện tại cần có Kế hoạch B cho mình, phòng trường hợp Mỹ vì lý nào đó quyết định rút khỏi cuộc chiến.”

Trong khi chiến dịch chống IS vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt, IS vẫn tiếp tục vươn dài “vòi bạch tuộc” ra nhiều khu vực trên thế giới, từ Nam Á đến Viễn Đông.

Các nhóm al-Qaeda ở châu Phi và Đông Nam Á đã thể hiện sự ủng hộ đối với IS theo nhiều cách. Ngày càng có nhiều thông tin về việc thanh niên Hồi giáo lên đường tới Iraq và Syria tham gia IS.

Địa Trung Hải cũng được dự báo là sẽ trở thành mục tiêu của IS. Một con đường dẫn ra Địa Trung Hải rất quan trọng đối với sự tồn tại của IS khi nhóm khủng bố này muốn kiểm soát cảng biển để từ đó có thể đưa dầu mỏ và khí đốt xuống tàu và chuyển tới các thị trường quốc tế.

Nếu giành được con đường dẫn ra Địa Trung Hải, IS sẽ tăng được nguồn tài chính cho lực lượng này. Thậm chí, các chuyên gia lo ngại Libya có thể trở thành “cái nôi” tiếp theo của IS. Chính việc không có một chính quyền trung ương vững chắc, cộng với tình hình hỗn loạn và tràn lan của các nhóm cực đoan ở quốc gia Bắc Phi này đang tạo ra môi trường lý tưởng cho các nhóm khủng bố nuôi ảo tưởng mở rộng "hiện tượng IS."

Nếu IS chọn Libya làm “đất dụng võ,” điều này chắc chắn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho các nước láng giềng có chung đường biên giới với quốc gia Arab này.

Có thể vẫn còn sớm để đánh giá về hiệu quả mà chiến dịch chống IS của liên minh quốc tế mang lại, song phải thừa nhận thực tế là ngay cả khi IS bị xóa sổ, tư tưởng cực đoan sẽ vẫn tồn tại. IS không phải là một tổ chức có những “bức tường lửa” rõ ràng để tách biệt với các nhóm khác.

IS có thể hiểu là sự mở rộng của tư tưởng Hồi giáo cực đoan, có thể tìm thấy ở al-Qaeda hay Taliban, kể cả trên các đường phố ở châu Âu, thậm chí ngay trong tổ chức Anh em Hồi giáo,...

Sự nổi lên của IS một lần nữa cho thấy thế giới còn lâu mới “miễn nhiễm” trước các vụ tấn công khủng bố và chủ nghĩa khủng bố sẽ còn là nỗi ám ảnh chừng nào các nước chưa gạt bỏ được những xung đột lợi ích, mâu thuẫn sắc tộc để cùng “đồng tâm hiệp lực” đối phó với mối đe dọa an ninh chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục