Làn sóng di cư từ Trung Mỹ làm khó chính quyền của Tổng thống Biden

Các ý kiến chỉ trích cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không có phản ứng phù hợp, gây ra sự hỗn loạn tại khu vực biên giới phía Nam giáp Mexico và thông tin thiếu minh bạch.
Người di cư Trung Mỹ xếp hàng chờ di chuyển qua cầu quốc tế Gateway từ Matamoros (Mexico) tới Texas (Mỹ) ngày 15/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau 2 tháng kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng tương đối "thuận buồm xuôi gió," Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với làn sóng người di cư ồ ạt tràn vào từ khu vực biên giới phía Nam giáp Mexico.

Đây không chỉ là vấn đề mà các đối thủ đảng Cộng hòa tập trung xoáy vào, mà cả một số thành viên trong nội bộ đảng Dân chủ cũng chỉ trích ông Biden.

Các ý kiến chỉ trích cho rằng chính quyền đã không có phản ứng phù hợp, gây ra sự hỗn loạn tại khu vực biên giới và thông tin thiếu minh bạch.

Dự kiến trong tuần này, phái đoàn nghị sỹ do Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Ted Cruz dẫn đầu sẽ có chuyến thị sát khu vực biên giới phía Nam.

Ông nhận định mặc dù chính quyền không thừa nhận đây là một cuộc khủng hoảng nhưng "người dân Mỹ đang bắt đầu hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình."

Hai thượng nghị sỹ John Cornyn của đảng Cộng hòa và Kyrsten Sinema của đảng Dân chủ, đại diện cho các bang có biên giới chung với Mexico là Texas và Arizona, cũng đã viết một bức thư chung kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden tăng cường các biện pháp để giải quyết tình hình hiện nay.

Từ nhiều năm qua, nhập cư trái phép vẫn là vấn đề nan giải tại Mỹ. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, nhiều chính sách mạnh tay đã được thực hiện nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp.

Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã ký một loạt sắc lệnh đảo ngược một số chính sách nhập cư gây tranh cãi của người tiền nhiệm, theo đó ngừng xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico và đề xuất dự luật tạo điều kiện cho gần 11 triệu người sống bất hợp pháp tại Mỹ được cấp quốc tịch.

Quyết định trên của chính quyền Tổng thống Biden vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng hòa, cho rằng sự đảo chiều chính sách này sẽ khiến số người di cư tìm cách vượt biên trái phép vào Mỹ tăng mạnh, tất yếu gây nên một cuộc khủng hoảng ở biên giới.

Liên quan đến vấn đề người di cư, ngày 22/3, Bộ Ngoại giao Mexico cho biết một phái đoàn cấp cao của Mỹ sẽ đến nước này để thảo luận về tình hình tại biên giới phía Nam, nơi hàng nghìn người di cư đang đổ về.

Tổng Vụ trưởng phụ trách Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Mexico, Roberto Velasco, thông báo phái đoàn Mỹ gồm ông Juan Gonzalez - Giám đốc phụ trách khu vực Tây Bán cầu Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông Ricardo Zuniga- đặc phái viên về Tam giác phía Bắc của Trung Mỹ (gồm Honduras, El Salvador và Guatemala) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, và điều phối viên về biên giới Tây Nam Roberta Jacobson.

[Mỹ đình chỉ loạt thỏa thuận về tị nạn với các nước Trung Mỹ]

Theo kế hoạch, giới chức hai nước sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di cư, hợp tác và phát triển ở Trung Mỹ và miền Nam của Mexico, nỗ lực chung để đảm bảo di cư an toàn, có trật tự và hợp pháp.

Trong thời gian gần đây, Mexico đã tăng cường lực lượng bảo vệ pháp luật ở biên giới phía Nam nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ Trung Mỹ tìm cách đi qua lãnh thổ nước này để tới Mỹ.

Số lượng người di cư đã tăng mạnh trong những tháng qua và trở thành một thách thức chính sách cấp bách với chính quyền của Tổng thống Biden.

Theo các tổ chức nhân quyền, mỗi năm, hàng nghìn người dân các nước Trung Mỹ đã vượt qua Mexico để tìm đường tới Mỹ, bất chấp hành trình dài và đầy nguy hiểm khi họ có thể trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người hay tội phạm có tổ chức.

Số người nhập cư trái phép vào Mỹ bị bắt giữ tại khu vực biên giới chung với Mexico trong tháng 2 vừa qua đã tăng 28% so với tháng trước đó.

Cụ thể, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã bắt giữ khoảng 100.000 người, trong đó có gần 9.500 trẻ không có người thân đi cùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục