Làn sóng đầu tư FDI đổ vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Nguồn vốn sẽ được tập trung bố trí cho dự án phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Làn sóng đầu tư FDI đổ vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Sản xuất đồ điện gia dụng tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đồng bằng sông Cửu Long nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN, lại được ưu đãi về điều kiện tự nhiên thuận lợi, con người hiền hòa, hiện đứng trước nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư từ các quốc gia lân cận.

Các tỉnh, thành trong khu vực đang có nhiều chủ trương, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phát triển ổn định, bền vững.

Từ đó, kiến tạo môi trường thông thoáng, giúp Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Tiềm năng thu hút đầu tư

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xác định kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực thu hút đầu tư, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, còn khoảng 140.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư thông qua các Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng.

[Đồng Nai: Vốn FDI trong 3 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần]

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguồn vốn sẽ được tập trung bố trí cho dự án phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ thông qua hai trục đường bộ cao tốc, tuyến đường thủy nội địa và tuyến đường sắt.

Đồng thời, phát triển tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang-Kiên Giang, gắn với kiểm soát xâm nhập mặn, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm quốc phòng an ninh, hình thành hành lang kinh tế mở, hướng ra biển.

Dự kiến tháng 6 năm nay, dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (nối đến cảng Trần Đề) thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, dài trên 188km, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng sẽ được khởi công xây dựng.

Cùng với đó là tuyến cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá, dài gần 100km cũng đã được tỉnh Kiên Giang đề xuất Chính phủ cho đầu tư sớm hơn dự kiến.

Ở vị trí cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An là địa phương đang đứng thứ 3 cả nước trong quá trình phát triển các khu công nghiệp (sau tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương).

Về thu hút FDI, Long An đứng thứ 13 cả nước và đứng thứ 3 trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (sau tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh) và luôn dẫn đầu các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư được 167 dự án ngoài khu công nghiệp, trong đó có 16 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4,5 tỷ USD.

Làn sóng đầu tư FDI đổ vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Công ty TNHH CCGrass Việt Nam, chuyên sản xuất thảm cỏ nhân tạo, có vốn nước ngoài đầu tư tại khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu, Tây Ninh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tại thành phố Cần Thơ, khu công nghiệp VSIP Cần Thơ là dự án trọng điểm từ lâu đã tạo sức lan tỏa trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được quy hoạch theo tiêu chí công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, quản lý thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Qua đó, giải quyết vấn đề lao động việc làm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, góp phần lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết thời gian qua, Cần Thơ đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 (Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ).

Dự án được thực hiện bởi 3 nhà đầu tư: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) và Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam-Singapore.

Dự án có quy mô diện tích giai đoạn 1 là 293,7ha, tổng vốn đầu tư gần 160 triệu USD, là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô vốn lớn thứ 3 tại Cần Thơ tính đến thời điểm hiện tại.

Thực tế, Đồng bằng sông Cửu Long đang có lợi thế thu hút đầu tư vào 5 cụm ngành, bao gồm: lúa gạo, thủy sản, rau quả, du lịch và năng lượng.

Đặc biệt, cụm ngành năng lượng tái tạo có thể tạo bước đột phá trong thu hút vốn FDI cho vùng.

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng

Nhiều năm qua, tỉnh Long An luôn tích cực hỗ trợ nhà đầu tư từ giai đoạn tìm hiểu môi trường đầu tư đến khi triển khai thực hiện dự án.

Đối với các dự án đầu tư có quy mô lớn, mang lại giá trị gia tăng cho tỉnh, có công nghệ máy móc từ tiên tiến trở lên, ít tác động đến môi trường sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng một ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Đồng thời, tỉnh Long An đang thúc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư triển khai dự án. Qua đó, tỉnh tiếp tục kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng và kết nối các khu, cụm công nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết trong năm 2023, tỉnh xem xét nâng cấp cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh để có năng lực thuyết trình, mời gọi, tư vấn các nhà đầu tư lớn trên thế giới, các tập đoàn đa quốc gia, bảo đảm tính thống nhất, nhất quán và thông suốt với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong thủ tục cấp phép đầu tư.

Các ngành, các cấp của tỉnh nghiêm túc thực hiện theo tinh thần “Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.” Đây cũng là thông điệp của Long An trong năm nay, với phương châm “nói đi đôi với làm.”

Tại thủ phủ Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài việc quan tâm tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thành phố Cần Thơ tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng của địa phương đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua nhiều kênh khác nhau.

Ông Trần Việt Trường cho biết Cần Thơ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, kiến tạo môi trường thông thoáng, xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính quyền Cần Thơ cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, thực hiện đầu tư kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Ở bên kia cầu Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023 với mục tiêu xúc tiến các chương trình đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, mời gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh đang quan tâm, tận dụng tối đa các lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Theo đó, Vĩnh Long ưu tiên thu hút các dự án phát triển ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch, hạ tầng kỹ thuật...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt, cùng với việc triển khai các dự án trọng điểm, Vĩnh Long sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, tiến hành trao đổi thông tin với các tổ chức, cơ quan, các hiệp hội nước ngoài nhằm kết nối quảng bá về tiềm năng của địa phương tới cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng thời, Vĩnh Long sẽ tham dự các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước do bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành tổ chức.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tính đến cuối tháng 1/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt trên 441 tỷ USD với 36.458 dự án còn hiệu lực.

Vốn thực hiện ước đạt trên 275 tỷ USD, bằng gần 62,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.884 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 35 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục