Làn sóng chống người nhập cư có xu hướng gia tăng ở Italy

Các vụ bạo động chống lại người nhập cư đặc biệt nổi cộm ở thủ đô Rome, khi người dân ngoại ô tấn công các đoàn xe chở người nhập cư hoặc trung tâm tiếp nhận người nhập cư trong khu vực.
Làn sóng chống người nhập cư có xu hướng gia tăng ở Italy ảnh 1Người di cư tại nhà ga ở Munich, miền nam nước Đức ngày 31/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Làn sóng chống người nhập cư ngày càng gia tăng ở Italy, trong bối cảnh quốc gia này nói riêng cũng như toàn châu Âu nói chung đang phải gồng mình đối phó với "cuộc khủng hoảng di cư" lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai tới nay.

Các vụ bạo động chống lại người nhập cư đặc biệt nổi cộm ở thủ đô Rome, khi người dân ngoại ô tấn công các đoàn xe chở người nhập cư hoặc trung tâm tiếp nhận người nhập cư trong khu vực.

Làn sóng chống lại người nhập cư cũng gia tăng ở vùng Sicily, miền Nam Italy, nhất là sau vụ một người nhập cư gốc Cote d'Ivoire bị buộc tội sát hại dã man cặp vợ chồng già người Italy hôm 29/8 để cướp của.

Vụ giết người đã gây ra làn sóng căm phẫn chống lại người nhập cư tại Italy, khi cho rằng họ là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tội phạm gia tăng và tạo ra những cuộc tranh cãi căng thẳng trong chính giới nước này về chính sách của chính phủ Thủ tướng Matteo Renzi với người nhập cư.

Mới nhất, ngày 1/9, hai người nhập cư gốc Gambia đã bị đánh trọng thương tại Sicily vì được cho là có liên quan tới người Cote d'Ivoire trên.

Trong khi đó, một loạt các vùng miền Bắc Italy đã chống lại những đề nghị tiếp nhận người nhập cư của chính phủ và liên tiếp công kích Thủ tướng Matteo Renzi.

Ở thị trấn miền Bắc Ormea, ngoại ô thành phố Cuneo, vùng Piedmont, nhiều doanh nghiệp và chủ các công ty du lịch đã tổ chức buổi họp nhằm ngăn cản 30 người nhập cư dự định được đưa tới tạm trú trong một khách sạn tại thị trấn du khá nổi tiếng này vào ngày 15/9 tới. Thậm chí, người dân địa phương còn vận động quyên góp 50.000 euro - khoản tiền tối thiểu để giành quyền kiểm soát khách sạn mà chính quyền dự định đưa người nhập cư tới tạm trú trong khi chờ được xét quy chế tị nạn.

Những sự kiện trên là minh chứng chứng tỏ làn sóng chống người nhập cư ngày càng dữ dội trong xã hội Italy khi những người di cư tìm cách đến nước này thông qua biển Địa Trung Hải với hy vọng từ đó tới các nước châu Âu để trốn chạy nghèo đói, xung đột, chiến tranh tại các quốc gia Trung Đông và châu Phi.

Trước tình hình nghiêm trọng trên, ngày 3/9, Thủ tướng Matteo Renzi đã lên tiếng hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng tìm ra một giải pháp thống nhất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Florence sau cuộc gặp với người đồng cấp Malta Joseph Muscat, ông Renzi cho rằng trách nhiệm của EU là phải đưa ra "câu trả lời thống nhất" cho cuộc khủng hoảng này dựa trên các nguyên tắc về quyền tị nạn. Theo ông Renzi, cuộc khủng hoảng người di cư không mang tính ngắn hạn mà sẽ kéo dài và cần được cộng đồng quốc tế "chung tay" giải quyết.

Kể từ đầu năm đến nay, đã có 116.000 người nhập cư, chủ yếu là người Syria, Mali, Sudan, Eritrea và Iraq tới Italy bằng đường biển để tìm "miền đất hứa" và con số này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Một phần trong số những người này đã được chuyển đi, trong khi phần lớn được đưa vào các trại tiếp nhận trên lãnh thổ Italy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục