Làn sóng bán tháo cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến Nga

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các doanh nghiệp Nga đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo cổ phiếu của các công ty năng lượng và khai mỏ lớn của Nga.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến Nga ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga tại thủ đô Moskva ngày 17/12/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các doanh nghiệp Nga mà phía Mỹ cáo buộc là đã tham gia các hành động "phá hoại nền dân chủ phương Tây" đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo cổ phiếu của các công ty năng lượng và khai mỏ lớn của Nga, khiến cho hàng tỷ USD tài sản bị "quét" khỏi các thị trường chứng khoán trong những ngày qua.

Phiên giao dịch ngày 9/4, EN+, tập đoàn khai khác nhôm và thủy điện do tỷ phủ người Nga Oleg Deripaska sở hữu đa số cổ phần và hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán London, đã trải qua sự xáo trộn mạnh khi chứng kiến giá cổ phiếu của tập đoàn này giảm tới 42%, trong khi hai thành viên ban giám đốc đã từ chức. Giao dịch cổ phiếu của EN+ đã tạm "treo" trong một thời gian ngắn trong phiên chiều, sau khi tập đoàn này thừa nhận phải đối mặt với những tác động bất lợi từ các đòn trừng phạt mới của Mỹ.

Chỉ riêng yếu tố cổ phiếu rớt giá cũng đã khiến cho tài sản cá nhân của tỷ phú Deripaska và gia đình ông này ước tính thiệt hại tới 2 tỷ bảng (1 bảng Anh = 1,41 USD). Ông Deripaska hiện nắm giữ 65,2% cổ phần trong EN+, trong khi gia đình ông sở hữu 11,4%.

[Nga chuẩn bị phương án đáp trả biện pháp trừng phạt của Mỹ]

Tỷ phú Deripaska có tên trong danh sách bị Chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt cùng với 7 chính trị gia, 17 quan chức chính phủ, 12 công ty năng lượng và khai mỏ, và Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom của Nga. Chính phủ Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào 8 công ty nằm trong "đế chế" kinh doanh của ông Deripaska, bao gồm nhà sản xuất nhôm Rusal mà EN+ đang nắm giữ 48% cổ phần.

Giá cổ phiếu của công ty Rusal niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong cũng giảm tới 50% trong phiên giao dịch đầu tuần, qua đó khiến giá cổ phiếu của công ty khai mỏ Glencore nằm trong chỉ số FTSE 100 của Anh - Glencore hiện nắm giữ 8,75% cổ phần trong Rusal - giảm tới 50%. Đồng thời, Rusal cũng cảnh báo nguy cơ vỡ nợ về mặt kỹ thuật. Glencore đồng thời cũng là khách hàng lớn nhất của Rusal, với các hợp đồng trị giá đạt khoảng 2,7 tỷ bảng trong năm 2017.

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của các công ty có liên quan đến Nga nhưng không nằm trong diện bị trừng phạt cũng giảm mạnh, chẳng hạn như cổ phiếu của công ty sản xuất thép Evraz giảm 14% và của hai công ty khai thác vàng là Polymetal và Polyus giảm lần lượt 18% và 23%. Cũng trong ngày 9/4, đồng ruble (rúp) của Nga giảm mạnh nhất (trong một ngày giao dịch) trong hơn hai năm qua.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục