"Lằn ranh đỏ" về chính sách vũ khí hạt nhân của Trung Quốc

Chiến lược hạt nhân của Trung Quốc rất rõ ràng: không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên, không sử dụng vũ khí hạt nhân đối với các quốc gia và khu vực không có vũ khí hạt nhân.
"Lằn ranh đỏ" về chính sách vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ảnh 1Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc, trong một cuộc duyệt binh trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. (Nguồn: rt.com)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, Mỹ mới đây đã đưa ra một số phỏng đoán về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc:

Thứ nhất là phỏng đoán về số lượng đầu đạn hạt nhân. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng vào năm 2027, Bắc Kinh sẽ có 700 đầu đạn và đến năm 2030 có 1.000 đầu đạn. Rốt cuộc, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là bao nhiêu? Hiện nay, Mỹ không biết thông tin này, tất cả mới chỉ là phỏng đoán.

Thứ hai là phỏng đoán về hệ thống vũ khí hạt nhân. Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng Trung Quốc có thể đã có lực lượng hạt nhân "3 trong 1." Trên thực tế, Trung Quốc đã sớm có lực lượng hạt nhân chiến lược này, nên nói một cách chính xác thì lực lượng hạt nhân chiến lược "3 trong 1" của Trung Quốc hiện có thể đã chuyển từ thế hệ thứ nhất sang thế hệ thứ hai, thậm chí là thế hệ thứ ba.

Trung Quốc đã sớm có được năng lực này, nhưng câu hỏi quan trọng đặt ra là lực lượng này có tính năng gì đặc biệt, sức công phá có mạnh hay không? Mỹ không nên đánh giá thấp năng lực hạt nhân của Trung Quốc.

Thứ ba là phỏng đoán về quy mô vũ khí hạt nhân. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng thế giới đang hình thành cục diện 3 cực Mỹ-Nga-Trung, nghĩa là số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể đã ngang bằng với Mỹ và Nga. Tuy nhiên, đây không phải là thực tế.

Số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ít hơn nhiều so với của Mỹ và Nga. Xét về cấp độ, Mỹ và Nga là cấp 1, Trung Quốc chỉ là cấp 2. Số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc chỉ bằng mấy chục phần trăm của Mỹ, đây là thực tế không thể bàn cãi.

Thứ tư là phỏng đoán về sự phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Các nhà khoa học Mỹ cho biết đã phát hiện hơn 300 hầm phóng tên lửa ở miền Tây Trung Quốc - một công trình xây dựng vũ khí hạt nhân chưa từng có. Kết luận này khiến họ bị đánh giá là những nhà khoa học "không có tố chất" và "không có bất cứ nguyên tắc khoa học nào."

[Vén bức màn bí mật về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc]

Đây chỉ là cơ sở của các nhà máy điện gió, không phải là hầm phóng tên lửa. Hơn nữa, hiện nay Trung Quốc không cần xây dựng nhiều hầm phóng vốn đã lỗi thời bởi đây là hình thức phóng tương đối phổ biến trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh của thế kỷ trước. Có thể thấy các nhà khoa học của Mỹ đã bị chính trị hóa nghiêm trọng, chỉ có thể nói và làm những điều trái ý muốn dưới sự chi phối của các chính khách Mỹ.

Tại sao Trung Quốc không muốn công khai số lượng vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ và Nga đều đã công khai số lượng đầu đạn hạt nhân? Vấn đề này có nhiều lý do:

Thứ nhất, Trung Quốc luôn quan niệm rằng vũ khí sắc bén của đất nước thì không thể để người khác dễ dàng biết được. Vũ khí hạt nhân chính là vũ khí sắc bén, khó có thể tiết lộ cho Mỹ và các nước khác.

Lý do thứ hai quan trọng hơn, đó là so với Mỹ và Nga, vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ở thế yếu, vì vậy cần phải che giấu, không để đối phương biết, từ đó mới có thể hình thành sức răn đe chiến lược vô hình. Do đó, Trung Quốc không cần thiết phải công khai số lượng và chất lượng vũ khí hạt nhân.

Nếu vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể sánh ngang với Mỹ, hiển nhiên là Trung Quốc sẽ sẵn sàng công khai điều này để thể hiện sự răn đe đối với Mỹ. Tuy nhiên, số lượng vũ khí hạt nhân hiện nay của Trung Quốc không nhiều, việc công khai chỉ khiến Trung Quốc gặp bất lợi về khả năng răn đe chiến lược.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy số lượng vũ khí hạt nhân mà Mỹ công khai rất mơ hồ. Theo số liệu mới nhất của quân đội Mỹ, nước này có 3.750 đầu đạn hạt nhân, nhưng con số do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm đưa ra là 5.550. Bất kể số liệu nào cũng đều tương đối mơ hồ, nguyên nhân là do Mỹ không cho phép các tổ chức quốc tế kiểm tra. Vì vậy, Mỹ công bố bao nhiêu thì biết bấy nhiêu.

Trên thực tế, số lượng đầu đạn hạt nhân của Mỹ lớn hơn nhiều so với con số 5.550. Do Mỹ không thực sự minh bạch nên không có lý do gì Trung Quốc - với tư cách là bên yếu hơn - phải minh bạch.

Mặc dù vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không minh bạch, nhưng chiến lược hạt nhân của Trung Quốc rất rõ ràng, điều này mọi người đều biết. Nguyên tắc phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc trong thời gian tới là gia tăng hợp lý số lượng vũ khí hạt nhân, nhưng tuyệt đối không chạy đua vũ khí hạt nhân với Mỹ, đây là cam kết nghiêm túc của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế.

"Lằn ranh đỏ" về chính sách vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ảnh 2Các tên lửa đạn đạn đạo xuyên lục địa DF-5B của Trung Quốc. (Nguồn: globaltimes.cn)

Tương tự, nguyên tắc sử dụng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc cũng không thay đổi: không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên, không sử dụng vũ khí hạt nhân đối với các quốc gia và khu vực không có vũ khí hạt nhân.

Sứ mệnh phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc luôn là để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc. Trong khi đó, vũ khí hạt nhân của Mỹ là công cụ để duy trì sự thống trị toàn cầu, mục đích của hai nước có sự khác biệt.

Số lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể hủy diệt Trái Đất nhiều lần, còn vũ khí hạt nhân của Trung Quốc chỉ có thể hủy diệt nước Mỹ một lần, đây chính là mục tiêu chiến lược răn đe hạt nhân của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ không chạy đua vũ trang với Mỹ, nên Mỹ cũng không cần mang vũ khí hạt nhân ra để khiêu khích Trung Quốc bởi Trung Quốc có đầy đủ biện pháp để ứng phó với Mỹ. Đây chính là "lằn ranh đỏ" về chính sách hạt nhân của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục