Để thử thách chính mình

Lan Hương làm mới "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

Hơn 1 thập kỷ là thuyền trưởng chèo lái đoàn kịch hình thể, “người đàn bà không tuổi” này vẫn luôn trăn trở tìm hình thức biểu diễn mới.
“Dù biết trước mặt là con đường khó nhưng tôi vẫn sẽ đi. Đi để tiếp tục khám phá, kiếm tìm và sáng tạo! Đi để tự thử thách chính mình!” đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Lan Hương (Nhà hát Tuổi trẻ) đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về những dự định nghệ thuật sắp tới. Hơn một thập kỷ giữ vai trò “người thuyền trưởng” chèo lái “con tàu” của đoàn kịch hình thể, “người đàn bà không tuổi” ấy vẫn luôn trăn trở kiếm tìm một hình thức biểu diễn mới so với kịch truyền thống. Thời gian này, chị cũng đang tự thử thách chính mình khi quyết định phục dựng một trong những vở diễn kinh điển của sân khấu kịch Việt Nam hiện đại-vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” theo phong cách của kịch hình thể. “Áo mới” cho câu chuyện cũ- Tác giả Lưu Quang Vũ để lại cho đời một "gia tài” đồ sộ với khá nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang lớn; nhưng, chị lại chỉ chọn kịch bản “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” để phục dựng. Có lý do đặc biệt cho lần lựa chọn này không, thưa đạo diễn?NSND Lan Hương: Với cảm nhận của riêng mình, tôi cho rằng, trong tất cả kịch bản của Lưu Quang Vũ thì đây là vở hay nhất. Đó là câu chuyện mang tính triết lý về con người, về mối quan hệ giữa “hồn” và “xác.” Nó tạo nên nét riêng và sức sống cho vở kịch này. [Sân khấu kịch hình thể: Nhọc nhằn tìm một hướng đi] Thông điệp gửi gắm trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” mang tính chất vĩnh viễn, đời đời. Ở bất cứ giai đoạn nào, thời kỳ nào, những câu chuyện tương tự cũng hoàn toàn có thể nảy sinh trong đời sống con người. Trong khi đó, những kịch bản khác của Lưu Quang Vũ (như “Lời thề thứ 9”) mang nặng tính thời sự, chủ yếu đề cập đến những vấn đề “nóng” trong xã hội ở thời điểm nó ra đời. - Thế nhưng, trước đó, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã từng góp phần không nhỏ tạo nên thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam và đặc biệt, nhắc đến vai nhân vật Trương Ba là người ta nói tới diễn xuất của cố nghệ sỹ nhân dân Trọng Khôi. Chị không sợ “cái bóng” quá lớn của người đi trước ư?
NSND Lan Hương: Nếu sợ thì tôi đã không phục dựng! Tôi tin rằng, vở kịch được dàn dựng theo phong cách khác-kịch hình thể với dàn diễn viên mới tham gia diễn xuất thì sẽ có những điểm mới. Khác với kịch nói lấy lời thoại là chủ yếu, kịch hình thể đẩy lời thoại xuống hàng thứ yếu, lấy ngôn ngữ hình thể làm trung tâm hàng đầu và làm phương tiện số một biểu hiện xung đột trên sân khấu. Chắn chắn, vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được phục dựng lần này vẫn sẽ theo phương thức đó. - Nói vậy tức là chị đã có “độc chiêu” riêng để thu hút khán giả?
NSND Lan Hương: Nói là “độc chiêu” thì cũng không hẳn. Nếu như ở vở “Nguyễn Du với Kiều,” tôi đưa vũ đạo của chèo vào là chính thì lần này, tôi sẽ chủ yếu sử dụng vũ đạo của tuồng. Khi xây dựng kế hoạch cho vở kịch hình thể “Hồn Trương Ba, da hàng thịt,” tôi tiến hành tra cứu lại toàn bộ vốn tuồng cổ của dân tộc. Trong kịch bản của Lưu Quang, bất cứ đoạn nào có nội dung tương đồng với nội dung, động tác vũ đạo của một trích đoạn tuồng nào đó thì tôi sẽ đưa trích đoạn tuồng đó vào, áp đặt luôn cho câu chuyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt.” Ví dụ như, cảnh bà vợ ông Trương Ba sau khi đốt ba nén nhang, “bay” lên trời để hỏi cho rõ về ông chồng “hồn một đằng, xác một nẻo” của mình, tôi lấy trích đoạn tuồng “Đào Tam Xuân loạn trào” để áp đặt vào, đặc tả cảnh nhân vật này làm loạn trên thiên đình. Theo tích tuồng cổ, Đào Tam Xuân là một đại diện cho mẫu người phụ nữ không chịu an phận trong xã hội phong kiến. Nhân vật này đại diện cho kiểu tính cách mạnh mẽ, dám đấu tranh, đi đòi công bằng cho chồng con chứ không chỉ thở than, khóc lóc...

Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương trong bộ phim "Trần Thủ Độ" (Ảnh: NVCC)
Tôi luôn muốn kết hợp trong các vở kịch của mình những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống dân tộc đã được đúc kết qua hàng nghìn năm với những thành tựu của các loại hình nghệ thuật hiện đại trên thế giới. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, không phải đưa hoàn toàn các trích đoạn tuồng vào kịch bản mà là trên cơ sở sự tương đồng về nội dung, động tác của trích đoạn đó để đưa vào kịch. Vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" được phục dựng vẫn có lời nhưng ít hơn so với kịch nói; có lúc đó là lời thoại của nhân vật và có lúc lời là lời hát ở bên ngoài vẳng vào sân khấu để khán giả có thể hiểu được nội dung. Mơ về... thời đã xa- Chị nói vậy khiến tôi cũng rất tò mò về dàn diễn viên mới cho phiên bản “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản kịch hình thể này?NSND Lan Hương: Các vai diễn đều do những diễn viên trẻ trong đoàn kịch hình thể đảm nhận; trong đó, vai ông Trương Ba sẽ do nghệ sỹ Hoàng Tùng phụ trách. - Với những vai diễn khá “nặng” và đòi hỏi thể hiện diễn biến nội tâm phức tạp, đa chiều như ở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt,” các nghệ sỹ trẻ liệu đã đủ trải nghiệm để hóa thân vào nhân vật?
NSND Lan Hương: Tôi tin là các bạn ấy sẽ làm được. Những người trẻ bao giờ cũng có những cách cảm, cách nghĩ riêng, mới lạ mà đôi lúc chính những người đi trước cũng cảm thấy bất ngờ và phải học hỏi. Hơn nữa, kế hoạch và kịch bản cho vở diễn lần này đã có từ cả năm trước rồi. Tôi đã có ý định thực hiện vở kịch này từ lâu nhưng mà chưa có dịp. Năm nay, nhân có Liên hoan sân khấu kịch các tác phẩm của Lưu Quang Vũ vào cuối tháng 8 tới, tôi đề nghị phục dựng và đã được lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ đồng ý. - Ngoài việc tham dự liên hoan, chị có kỳ vọng gì khác không khi đầu tư phục dựng vở kịch được xếp vào hàng kinh điển của sân khấu kịch Việt Nam hiện đại này không?NSND Lan Hương: Đã là nghệ sỹ thì ai cũng muốn tác phẩm của mình được diễn liên tục và tôi cũng vậy thôi. Tôi hy vọng rằng, thời gian tới, kịch Bắc sẽ có nhiều “đất” diễn hơn, các vở sau khi được dàn dựng sẽ được biểu diễn liên tục. Nếu dựng vở chỉ để tham dự các kỳ liên hoan rồi lại “cất vào tủ” thì sẽ không có tác phẩm nào “sống” được.

Kịch hình thể lấy ngôn ngữ hình thể làm trung tâm hàng đầu và làm phương tiện số một biểu hiện xung đột trên sân khấu (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)
Hiện nay, sân khấu kịch phía Bắc vẫn đìu hiu quá, cả năm dựng đôi ba vở nhưng tần suất diễn quá thưa thớt, có khi cả tháng mới có một buổi diễn. Tôi còn nhớ, cách đây khoảng trên chục năm, có những vở được diễn tới 4 suất/ngày và khán giả lúc nào cũng chật kín cả rạp. Còn hiện giờ là một cảnh tượng hoàn toàn ngược lại, có khi phát giấy mời, người ta cũng không đi xem chứ đừng nói đến chuyện bán vé. Tất nhiên, khi khán giả “quay lưng” lại với sân khấu thì chính giới nghệ sỹ cũng phải tự đặt câu hỏi “tại sao?” và đây lại là một câu chuyện dài: nội dung vở diễn không hay, diễn xuất của diễn viên không hấp dẫn hay đơn thuần là công tác quảng bá chưa tốt... - Trân trọng cảm ơn chị về những chia sẻ./.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục