“Làn gió ngược” của chính sách tăng lãi suất, trừng phạt từ phương Tây

Xxung đột giữa Nga và Ukraine, các lệnh trừng phạt chống lại Nga của các nước phương Tây và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến giá cả trên thế giới tăng vọt.
“Làn gió ngược” của chính sách tăng lãi suất, trừng phạt từ phương Tây ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng Quốc tế đã đăng bài viết của nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thế giới của hãng tin Tân Hoa xã Lý Trương Cửu cho biết Mỹ gần đây đã tăng mạnh lãi suất để kiểm soát tình hình lạm phát trong nước. Tuy nhiên, việc làm này sẽ khiến hầu hết các nước đang phát triển trở thành nạn nhân chính. 

Cùng với đó, xung đột giữa Nga và Ukraine, các lệnh trừng phạt chống lại Nga của các nước phương Tây và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến giá cả tăng vọt.

Tầm ảnh hưởng của đồng USD và kinh tế Mỹ

Các nước phương Tây có dân số nhỏ và nhu cầu hạn chế, có thể kiểm soát lãi suất để vượt qua khủng hoảng.

Tuy nhiên, các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi không chỉ đối mặt với tăng trưởng giảm tốc, thậm chí suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở một số nước, mà còn phải đối mặt với rủi ro nợ, rủi ro tài chính và rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu nghiêm trọng.

Về vấn đề này, các nước đang phát triển không chỉ cần quản lý tốt công việc của mình mà còn phải tăng cường hợp tác, cùng nhau đối phó với những rủi ro và thách thức toàn cầu, bảo vệ lợi ích chung.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến lạm phát của Mỹ sẽ tăng lên 4,3% trong năm 2022, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra là 2%. Fed theo đó hôm 16/3 đã tăng lãi suất chuẩn cơ bản thêm 0,25%, lên 0,5% nhằm mục đích kiểm soát lạm phát và thực hiện tái cơ cấu tài sản. Đây là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất kể từ tháng 12/2018.

18 thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) đã nhất trí rằng lãi suất chuẩn cơ bản liên bang sẽ tăng lên trên mức 1,25% vào năm 2022, tuy nhiên một số người khác tin rằng lãi suất sẽ tăng lên 3-3,25%.

Tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 31/3 đưa tin rằng kể từ cuối năm 2021, giá dầu thô của Mỹ đã tăng 43% lên 107,82 USD/thùng và đạt mức 123,7 USD/thùng vào đầu tháng 3/2022, mức cao nhất kể từ năm 2008. Giá lúa mỳ cũng tăng 24%.

Chỉ số hàng hóa S&P Goldman Sachs, theo dõi giá giao sau của các mặt hàng từ kim loại quý đến gia súc, đã tăng 34% trong quý đầu tiên của năm 2022, là mức cao nhất kể từ năm 1990.

Trang web Echo của Pháp ngày 30/3 cho biết trong tháng 3/2022, giá tiêu dùng ở Tây Ban Nha và Bỉ lần lượt tăng 9,8% và 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giá tiêu dùng ở Đức tăng 7,3%. Kể từ đầu năm 2022, giá dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng lần lượt 52% và 64%. Lạm phát trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng lên 7,5% trong tháng 3/2022, đạt kỷ lục mới một lần nữa.

[Ảnh hưởng của lệnh trừng phạt Nga đối với các nước châu Á]

Theo Văn phòng Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, giá tiêu dùng trong tháng 3/2022 đã tăng 5,46% so với tháng trước và tăng 61,14% so với cùng kỳ năm ngoái, một kỷ lục mới kể từ tháng 3/2002. Chỉ số CPI của Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/1982.

Việc Mỹ tăng lãi suất là nhằm kiểm soát lạm phát trong nước, nhưng tác động đến kinh tế thế giới, đặc biệt là hầu hết các nước đang phát triển sẽ trở thành nạn nhân chính. 

Ngân hàng đầu tư của Mỹ Piper Jaffray đã nghiên cứu các chu kỳ tăng lãi suất của Fed kể từ những năm 1960 và nhận thấy rằng trong những lần Fed nâng lãi suất chuẩn liên bang lên trên mức trung tính, kinh tế Mỹ chỉ đạt được “hạ cánh mềm” thực sự vào năm 1994, còn các lần khác đều dẫn đến suy thoái kinh tế ngay sau khi chu kỳ kết thúc. 

Stephen Sattermeyer, chiến lược gia nghiên cứu kỹ thuật tại Bank of America Securities, cho biết các nhà đầu tư nên lo ngại về nguy cơ suy thoái vào cuối chu kỳ tăng lãi suất. Trong 15 chu kỳ tăng lãi suất trước đây, các đợt suy thoái đã xảy ra ngay trong hoặc trước khi kết thúc của 11 chu kỳ tăng lãi suất. 

Osanga Berenikaya, Giám đốc Phòng Phân tích Kinh tế vĩ mô của Tập đoàn Finam, cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 được kích hoạt bởi cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ, và "ngòi nổ" chính là chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ của Fed - nâng lãi suất từ mức 1% của năm 2004 lên 5,25% trong năm 2006.

Kể từ những năm 1970, đồng USD đã được tách khỏi vàng và thế giới đã bước vào kỷ nguyên của các loại tiền tệ tín dụng hoàn toàn, giải phóng mình khỏi sự trói buộc của vàng. Mỹ đã điều chỉnh lãi suất theo ý muốn dựa trên nhu cầu và lợi ích trong nước của mình. 

Trong hơn 50 năm, một số chu kỳ tăng lãi suất ở Mỹ đã dẫn đến khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng tài chính ở các nước và khu vực đang phát triển.

Ví dụ, cuộc khủng hoảng nợ Mỹ Latinh trong những năm 1970 và 1980 đã khiến các nước Mỹ Latinh rơi vào thế "bẫy thu nhập trung bình", cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và Nga trong những năm 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. 

Tờ báo Nihon Keizai Shimbun đã đăng một bài báo vào năm 2013 với tựa đề "Để ngăn chặn những thay đổi trong xu hướng của kinh tế thế giới," chỉ ra rằng Mỹ là tâm chấn của những biến động thị trường, sau khi chấn động qua đi, kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ, song lại đẩy các nền kinh tế mới nổi, vốn đóng vai trò hỗ trợ trong thời kỳ khủng hoảng, rơi vào tình thế khó khăn.

Các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi cần làm gì?

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Mỹ và Anh đã tiếp tục cung cấp cho Ukraine một lượng lớn vũ khí hạng nặng. Đồng thời, Mỹ và các nước châu Âu không ngừng mở rộng trừng phạt Nga khiến giá cả tăng mạnh.

Trong bối cảnh đó, các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi cần thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để đối phó với các rủi ro và thách thức toàn cầu.

Đầu tiên, các nền kinh tế mới nổi cần tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả với các rủi ro từ tính không chắc chắn và thậm chí bị phá vỡ của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo báo cáo của Bloomberg News ngày 26/2/2022, các phân tích từ cơ sở dữ liệu Thống kê Thương mại Hàng hóa của Liên hợp quốc kể từ năm 2019 cho thấy có hơn 130 nền kinh tế có ít nhất một mặt hàng nhập khẩu hoặc có lượng lớn hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Nga, Ukraine và Belarus.

Nga và Ukraine chiếm 30% lượng lúa mỳ xuất khẩu, 19% lượng ngô xuất khẩu và 80% lượng dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu. Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai, lần lượt chiếm 12% và 10% nguồn cung toàn cầu. 

Giá vàng lần đầu tiên vượt mức 2.000 USD/ounce vào ngày 7/3, trong khi giá palladium cũng tăng 5% lên 3.151,3 USD/ounce. Thế giới cần 700 triệu lít khí neon mỗi năm cho các nguồn sáng laser trong thiết bị sản xuất chất bán dẫn, 70% trong số đó đến từ Ukraine. Nga và Belarus xuất khẩu phân kali chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu phân kali toàn cầu.

Thứ hai, các nước đang phát triển cần đề phòng các cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng hơn.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, quy mô nợ của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi đã tăng mạnh. Việc Fed tăng lãi suất và bắt đầu quá trình giảm bảng nợ tài sản sẽ làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi.

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng nợ toàn cầu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 296.000 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ của các nước phát triển là 410%, và tỷ lệ nợ của các nền kinh tế mới nổi là 247%. 

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính rằng vào giữa năm 2022, tổng nợ toàn cầu sẽ lần đầu tiên vượt mức 300.000 tỷ USD. Tính đến giữa tháng 3/2022, tổng nợ của chính phủ liên bang Mỹ đã vượt quá 30.000 tỷ USD, cao hơn khoảng 7.000 tỷ USD so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ vào năm 2021, bao gồm 8.000 tỷ USD nợ nước ngoài. 

Tính đến cuối tháng 9/2021, dư nợ phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty Mỹ đạt 10.000 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với thời điểm cuối năm 2015 khi bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất gần nhất, trong đó rủi ro nợ xấu với rủi ro vỡ nợ cao hơn chiếm khoảng 20%. 

Nợ hộ gia đình của Mỹ tăng từ 14.600 tỷ USD vào năm 2020 lên 15.600 tỷ USD vào năm 2021. Mỹ là quốc gia mắc nợ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Mỹ đã “xuất khẩu” khủng hoảng và giảm bớt thiệt hại bằng cách điều chỉnh lãi suất và tỷ giá hối đoái.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên Nihon Keizai Shimbun vào ngày 28/12/2021, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết sự gia tăng GDP bình quân đầu người ở miền Bắc và miền Nam là "cực kỳ đáng lo ngại." Ông nói, các nền kinh tế phát triển đang phục hồi, trong khi các nền kinh tế đang phát triển vẫn còn tương đối yếu. 

Ví dụ về GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng trưởng của các nước phát triển vào năm 2021 là 5%, trong khi tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển chỉ là 0,5%. Năm 2020, nợ nước ngoài của các nước thu nhập thấp tăng 12% so với năm trước, lên 860 tỷ USD, là mức cao kỷ lục. 

Theo phân tích của WB, một số nước đang phát triển có số nợ thực tế lớn hơn số báo cáo, thậm chí chiếm tới 30% GDP. Chủ tịch Malpass tin rằng rủi ro phía trước là lạm phát. Những người có thu nhập thấp, không có khả năng tự chống chọi với lạm phát, sẽ gặp bất lợi. 

Lãi suất tăng sẽ là một thách thức nghiêm trọng vì sẽ làm giảm dòng vốn đầu tư mới vào các nước đang phát triển. Việc Mỹ tăng lãi suất cách đây 5 năm cũng là một thử nghiệm đối với các nước đang phát triển. 

Theo một báo cáo được công bố bởi Jubilee Debt Campaign, một viện nghiên cứu của Anh, tỷ trọng trung bình của dịch vụ nợ ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong doanh thu tài khóa sẽ tăng từ 6,8% của năm 2010 lên 14,3% vào năm 2021, cho thấy thực tế tính nghiêm trọng của rủi ro nợ. 

Do đó, các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp, cần kiểm soát chặt chẽ quy mô nợ nước ngoài của mình. Nếu không trả được nợ đúng hạn thì họ nên sớm đạt được các thỏa thuận cơ cấu lại nợ với các chủ nợ kể cả khi vay nợ mới để trả nợ cũ cũng phải ngăn chặn các khoản nợ nghiêm trọng hơn hoặc khủng hoảng tài chính.

Thứ ba, các nền kinh tế cần ứng phó hiệu quả với tác động của giảm tốc tăng trưởng hoặc thậm chí suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 sẽ giảm từ 5,9% năm 2021 xuống còn 3-3,5%, thậm chí thấp hơn. Theo số liệu được cung cấp bởi tờ The Guardian của Anh ngày 5/4/2022, tỷ lệ lạm phát của hầu hết các nước phát triển đã tiếp cận 10%. Agustin Carstens, Chủ tịch Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), cho biết hôm 5/4 rằng khi toàn cầu hóa đi vào thoái trào và giá tiêu dùng tiếp tục tăng, kinh tế thế giới có thể sắp bước vào một kỷ nguyên lạm phát mới.

Khi lạm phát tiếp tục leo thang, Fed có thể sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ hơn. Eric Rosengren, cựu Chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston, chỉ ra nguy cơ suy thoái do xu hướng thắt chặt tiền tệ đang tăng cao. 

Fed càng nhanh chóng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, các hành động của họ càng có khả năng dẫn đến suy thoái. ECB đã hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone xuống 3,7% vào năm 2022 so với dự báo trước đó là 4,2%, và dự kiến tăng trưởng 2,8% vào năm 2023 và 1,6% vào năm 2024. 

"Căng thẳng Nga-Ukraine khiến kinh tế toàn cầu tồi tệ hơn"

Wall Street Journal ngày 8/3/2022 đã đăng một bài báo với tiêu đề "Căng thẳng Nga-Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu tồi tệ hơn", trong đó đưa ra ngày càng nhiều dự báo của các nhà kinh tế, cho rằng có khả năng xuất hiện rủi ro “lạm phát kèm suy thoái” (stagflation), đặc biệt là tại châu Âu.

“Làn gió ngược” của chính sách tăng lãi suất, trừng phạt từ phương Tây ảnh 2Cảng container ở Hamburg, Đức. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Trong những năm 1970, sự kết hợp giữa lạm phát cao và tăng trưởng thấp đã gây khó khăn cho các nền kinh tế lớn. Châu Âu có thể đối mặt với cuộc suy thoái lần thứ ba trong hai năm tới.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,5% vào năm 2021. Joe Lavornia, người từng phục vụ trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và hiện là nhà kinh tế trưởng khu vực châu Mỹ tại ngân hàng Natixis, dự kiến tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ ở dưới mức 1% vào năm 2022. 

Nhà kinh tế học và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đã chỉ ra rằng trong quá khứ, bất cứ khi nào lạm phát vượt quá 4% và tỷ lệ thất nghiệp dưới 5%, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong vòng hai năm.

Năm 2022, kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 8% và kinh tế Ukraine giảm 40%. Nếu xung đột Nga-Ukraine mở rộng dẫn đến sự đứt gãy nghiêm trọng của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu, thì đó sẽ là một thảm họa toàn cầu.

Trong số tháng 3-4/2022 của tạp chí Diplomacy của Mỹ, cựu Chủ tịch WB và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick đã có bài viết với tiêu đề "Làm thế nào để Mỹ xây dựng một nền kinh tế toàn cầu dẻo dai hơn trước cú sốc tiếp theo?"

Khủng hoảng là quy luật, không phải ngoại lệ. Bất kể nguồn gốc nào, cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ giáng đòn nặng nề xuống hệ thống kinh tế vốn đã không còn sức chống đỡ. Cấu trúc còn lại của trật tự kinh tế ban đầu đang phải vật lộn để thích ứng với những thay đổi này.

Cựu Chủ tịch WB Zoellick cho rằng: “Trong những thập kỷ gần đây, Mỹ đã phải thích ứng với ảnh hưởng ngày càng mở rộng và vấn đề của các thị trường mới nổi mang lại. Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đã trở thành nhân tố bên ngoài được quan tâm hàng đầu của Washington, nhưng Mỹ vẫn chưa hình thành được khái niệm rõ ràng về một hệ thống cho phép Mỹ và Trung Quốc chung sống hòa bình.”

Chính sách của Mỹ phải tính đến sở thích của các đồng minh và đối tác Mỹ, những người chưa có cách kiềm chế hoặc tách rời khỏi Trung Quốc. Cựu Chủ tịch Zoellick tin rằng: "Cánh cửa đóng hay mở sẽ không giúp nước Mỹ an toàn hơn, việc phá hủy trật tự hiện có để theo đuổi những mục tiêu hão huyền cũng không thành công. Washington cần lấy lại khả năng thích ứng thực dụng với những hoàn cảnh không ngừng thay đổi."

Thế giới đang trải qua những thay đổi nhanh chóng chưa từng thấy trong một thế kỷ và các cường quốc tư bản lớn đang trên đà tăng cường phối hợp và hợp tác, nhằm duy trì quyền bá chủ của thế giới phương Tây và tiếp tục thu được siêu lợi nhuận từ thế giới.

Agence France-Presse đưa tin hôm 6/4/2022 rằng Mỹ áp đặt một vòng trừng phạt kinh tế và tài chính mới đối với Nga vào ngày 6/4, gọi động thái này là mang tính “hủy diệt.”

Phát biểu tại một đại hội công đoàn, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng "các lệnh trừng phạt của chúng tôi chắc chắn sẽ xóa sổ 15 năm tiến bộ kinh tế của Nga" và rằng "chúng tôi sẽ kiềm chế khả năng phát triển của Nga trong nhiều năm tới."

Tờ Financial Times của Anh ngày 6/4 đã đăng một bài báo có tiêu đề "Vũ khí hóa tài chính: Cách phương Tây tung ra "cú sốc và sự răn đe" chống lại Nga", trong đó nói về việc các nước phương Tây đã đóng băng 643 tỷ USD ngoại hối của Nga, đây thực tế là sự tuyên bố về một cuộc chiến tài chính với Nga.

“Đây là một kiểu chiến tranh rất mới lạ - sử dụng đồng USD và các đồng tiền phương Tây khác làm vũ khí trừng phạt đối thủ.”

Bài báo của Financial Times viết: “Dù kết quả thế nào, động thái đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga đã đánh dấu một sự thay đổi lịch sử trong hành vi chính sách đối ngoại."

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố trong bài phát biểu tại Washington hồi cuối tháng 3/2022 rằng: "Những biện pháp trừng phạt kinh tế này là một chính sách kinh tế quốc gia hoàn toàn mới với sức công phá tương đương sức mạnh quân sự. Những biện pháp này sẽ làm suy yếu sức mạnh cũng như khả năng bổ sung quân sự của Nga."

Thế giới cần nhận thức sâu sắc về tác động và tác hại toàn cầu của xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên tiếp mà phương Tây áp đặt lên Nga. Các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi không chỉ đối mặt với tăng trưởng kinh tế giảm, thậm chí một số nước bị suy thoái nghiêm trọng, mà còn phải đối mặt với rủi ro nợ nghiêm trọng, rủi ro tài chính và toàn cầu, nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng mà khó quốc gia nào có thể đơn độc đối phó và vượt qua. 

Trong bối cảnh đó, các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi không chỉ cần quản lý tốt công việc của mình, duy trì ổn định và an ninh xã hội mà còn phải tăng cường hợp tác, cùng đối phó với các rủi ro và thách thức toàn cầu, bảo vệ lợi ích chung của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục