Làn điệu Soóng cọ của người Sán Chỉ là Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Soóng cọ là một loại hình dân ca đã được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Sán Chỉ ở tỉnh Quảng Ninh.

Thế hệ trẻ luôn tích cực gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Tiên Yên. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Thế hệ trẻ luôn tích cực gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Tiên Yên. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tối 15/3, tại huyện Bình Liêu, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh được công bố là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia.

Soóng cọ là một loại hình dân ca đã được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Sán Chỉ.

Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QÐ-BVHTTDL công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ thuộc các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên và thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia. Soóng cọ theo tiếng Sán Chỉ có nghĩa là “xướng ca,” “hát đối,” “hát giao duyên.”

Theo lời người xưa kể, người Sán Chỉ hát soóng cọ quanh năm, mọi nơi, mọi lúc, mỗi khi có dịp. Hội hát soóng cọ hay còn gọi là Hội tháng Ba của người Sán Chỉ ra đời cách đây 300 năm.

Những năm thuộc thập kỷ 90 thế kỷ XX trở về trước, soóng cọ rất được ưa chuộng, và không biết tự bao giờ, ngày 16/3 Âm lịch hằng năm đã trở thành ngày hội riêng của người Sán Chỉ.

Hát soóng cọ là cách hát đối gồm một bên nam, một bên nữ đối diện và có thể cùng một lúc có nhiều tốp hát đối với nhau. Do tính chất ứng đối tập thể đó nên tính thống nhất cao hơn, tính cộng đồng thể hiện rõ nét. Tục hát Soóng cọ có một quy định chặt chẽ là không hát với người cùng huyết thống, dòng tộc, họ hàng. Nội dung bài hát phong phú, đa dạng, uyển chuyển, phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, ca ngợi thiên nhiên, đất nước, con người, tình yêu đôi lứa.

Trên địa bàn Quảng Ninh hiện nay có 43 thành phần dân tộc cư trú, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 12% dân số của tỉnh. Tộc người Sán Chỉ (cùng với nhánh người Cao Lan thuộc dân tộc Sán Chay) là một trong bảy tộc người thiểu số của tỉnh sinh sống thành cộng đồng làng, bản, cư trú phần lớn ở các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà. Cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua ngôn ngữ, trang phục, tập quán sinh hoạt, lao động thì hát soóng cọ được người Sán Chỉ gìn giữ, duy trì sử dụng trong sinh hoạt đời sống đến tận ngày nay.

ttxvn_nguoi san chi.jpg
Nhờ sự vào cuộc tích cực của các đoàn viên, thanh niên và người dân, tiếng hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ vùng cao Tiên Yên vẫn cứ mãi vang xa. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu), người Sán Chỉ chiếm khoảng 82%, đây cũng là xã có người Sán Chỉ cư trú đông nhất huyện. Do đó, Hội hát soóng cọ của đồng bào Sán Chỉ nơi đây đã có từ lâu đời. Dù không có bất cứ nhạc cụ nào đi kèm khi thể hiện, song điệu soóng cọ vẫn lôi cuốn người nghe bằng lời ca nhịp nhàng, âm điệu ngân dài thi vị một cách mộc mạc, chân thành, thể hiện tâm tư, tình cảm và gắn liền với sinh hoạt lao động sản xuất của người Sán Chỉ.

Thời gian gần đây, làn điệu Soóng Cọ của người Sán Chỉ đã được các địa phương phục dựng và duy trì tổ chức thường niên, bài bản, quy mô. Qua đó, góp phần gìn giữ một di sản văn hóa tinh thần quý báu, thể hiện truyền thống tốt đẹp và bản sắc riêng của tộc người Sán Chỉ ở Quảng Ninh; đồng thời tạo nên sản phẩm văn hóa độc đáo, phục vụ khách đến tham quan, du lịch.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư huyện Bình Liêu, cho biết nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia là niềm vui, niềm tự hào của người Sán Chỉ nói riêng, nhân dân các dân tộc huyện nói chung. Những làn điệu Soóng cọ là một trong những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Chỉ.

Thời gian qua, huyện Bình Liêu luôn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Cũng trong tối 15/3, huyện Bình Liêu đón nhận Quyết định là huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Đây cũng là huyện miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Cũng tại buổi lễ, huyện Bình Liêu tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2024. Ngày hội sẽ diễn ra từ ngày 15/3 đến ngày 12/5 tới với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện Bình Liêu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục