Lần đầu tiên trưng bày có hệ thống các bảo vật quốc gia Việt Nam

Sẽ có 16 hiện vật quốc gia được trưng bày nhằm giúp khách tham quan có cái nhìn hệ thống về bảo vật quốc gia, khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa chuyên sâu, hấp dẫn.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày 12/12 cho biết hiện Bảo tàng đang tích cực chuẩn bị cho trưng bày đặc biệt “Bảo vật quốc gia Việt Nam” từ ngày 10/1/2017 đến tháng 5/2017.

Đây là trưng bày đầu tiên giới thiệu tổng thể các bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Sẽ có 16 hiện vật quốc gia được trưng bày lần này, nhằm giúp khách tham quan có cái nhìn hệ thống về bảo vật quốc gia tại Bảo tàng, khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa chuyên sâu, hấp dẫn của mỗi bảo vật.

Trong 16 hiện vật sắp trưng bày có thể kể đến trống Ngọc Lũ của văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012.

Trống Ngọc Lũ thuộc nhóm A, loại I Heger là chiếc trống đẹp nhất, nguyên vẹn nhất và có hình dáng cân đối, hài hòa nhất trong những trống Đông Sơn đã phát hiện. Hoa văn trang trí vô cùng phong phú, hoàn hảo, tinh mỹ.

Tiếp đó là trống Hoàng Hạ bằng đồng cũng thuộc văn hóa Đông Sơn. Trống được phát hiện tại xóm Nội Thôn, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội).

Trống đồng Hoàng Hạ là loại trống H1 điển hình, kiểu dáng, đề tài hoa văn trang trí độc đáo còn khá nguyên vẹn. Trống đồng Hoàng Hạ có kích thước lớn là một tiêu bản đặc biệt được xếp vào cùng nhóm trống đồng Ngọc Lũ, nhóm trống đặc trưng tiêu biểu nhất. Vì vậy trống đồng Hoàng Hạ xứng đáng được công nhận là bảo vật Quốc gia.

Các bảo vật được trưng bày lần này còn có Thạp Đào Thịnh; tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn, cây đèn hình người quỳ, mộ thuyền Việt Khê, bia Võ Cạnh, chuông chùa Vân Bản, ấn “Môn hạ sảnh ấn,” bình vẽ thiên nga, bia điện Nam Giao, trống Cảnh Thịnh, ấn “Sắc mệnh chi bảo,” tác phẩm “Nhật ký trong tù,” sách "Đường Kách mệnh," bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ, bảo quản gần 200.000 tài liệu, hiện vật gốc có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học; phản ánh truyền thống, bản sắc văn hóa, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Các hiện vật đều gắn với những chiến công hiển hách của dân tộc ta trong quá trình đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc...

Trong khối hiện vật đồ sộ này, có rất nhiều hiện vật quý hiếm, độc đáo, chứa đựng giá trị đặc biệt, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của đất nước. Sau bốn đợt xếp hạng, hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cơ quan lưu giữ, phát huy số lượng bảo vật quốc gia nhiều nhất với 16 bảo vật quốc gia. Những bảo vật này đang được trưng bày giới thiệu, phát huy giá trị tại hệ thống trưng bày thường trực và ngoài trời, tại các giai đoạn lịch sử tương ứng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục