Pháp phục, kiến trúc, di sản, ngôn ngữ - những đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam đã được giới thiệu, trưng bày tại Triển lãm “Đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam” do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức sáng 16/12, tại chùa Yên Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đây là hoạt động mở đầu trong chuỗi các hoạt động triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Định hướng đặc trưng pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” đã được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt.
Hòa thượng Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết đây là lần đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức triển lãm các đặc trưng văn hóa của Phật giáo.
Triển lãm trưng bày, giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật nhằm bước đầu cung cấp cho phật tử, công chúng những nét khái quát đặc trưng và sự tiếp thu, giao lưu văn hóa Phật giáo Việt Nam thông qua pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản văn hóa Việt Nam. Trong đó có những báu vật quốc gia như pho tượng Phật cổ bằng gỗ mù u đặc trưng cho nền văn hóa Óc Eo ở thế kỷ thứ 4-5, hai pho tượng Phật bằng đá tạo tác vào thế kỷ 15 thuộc khu di tích chùa Nhẫm Dương, tượng Phật Thích ca bằng đồng dương.
Triển lãm giúp phật tử, công chúng bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hóa Phật giáo truyền thống, góp phần nâng cao nhận thức cũng như ý thức trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung, định hướng xây dựng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để tránh những “lai căng” văn hóa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển văn hóa dân tộc tiên tiến, hiện đại mà vẫn giữ được nét truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam, cần tìm những đặc trưng riêng để giới thiệu văn hóa Việt Nam, không bị lẫn lộn với nước khác.
Nói đến văn hóa Phật giáo là nói đến văn hóa dân tộc, nói đến văn hóa dân tộc, không thể bỏ qua văn hóa Phật giáo, việc bảo tồn, phát triển văn hóa Phật giáo không chỉ là trách nhiệm của Phật giáo mà là trách nhiệm của dân tộc.
Mong muốn bảo tồn, phát huy văn hóa Phật giáo, truyền tải tinh thần Phật giáo trong cộng đồng, Hội đồng Trị sự đã giao cho Ban Văn hóa Trung ương triển khai Đề án “Định hướng đặc trưng pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” với mục tiêu tạo dấu ấn văn hóa Phật giáo thời đại Hồ Chí Minh.
Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Dương Ngọc Tấn cho rằng: "Đề án “Định hướng đặc trưng pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” là đề án lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tạo sự đồng thuận trong các nhà nghiên cứu, tăng ni, phật tử và toàn xã hội."
Trao đổi tại buổi họp báo trước giờ triển lãm, Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết định hướng đặc trưng về kiến trúc Phật giáo không phải là cuộc cách mạng chối bỏ cái đã có, đưa ra kiến trúc mới mà vẫn duy trì, bảo vệ, giữ nguyên nét đặc trưng của từng hệ phái, vùng miền, là sự chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới với phương châm kế thừa truyền thống của kiến trúc Phật giáo, kết hợp với kiến trúc đương đại, đảm bảo giữ nguyên kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Mô hình kiến trúc mới không phải là một định chế, thiết chế, mà chỉ đưa ra phương hướng phong cách kiến trúc cho các chùa tôn tạo và xây dựng mới hiện nay, cũng như trong tương lai. Các công trình này có kiến trúc riêng, không lai căng biến thể quá nhiều so với kiến trúc gốc./.