Lần đầu tiên tổ chức ngày hội trao đổi sách với chủ đề “Đi và đọc”

“Những chuyến đi và những cuốn sách là hai phương tiện giúp các bạn trẻ phát triển bản thân, làm giàu tri thức và khám phá thế giới. Bởi vậy, ngày hội có chủ đề là ‘Đi và đọc’,” đại diện VICC chia sẻ.
Lần đầu tiên tổ chức ngày hội trao đổi sách với chủ đề “Đi và đọc” ảnh 1Ngày hội thu hút rất đông bạn trẻ tham gia. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Sáng nay (17/9), ngày hội đổi sách với chủ đề “Đi và đọc” lần đầu tiên được tổ chức tại khu tổ hợp Hà Nội Creative City (số 1 Lương Yên, Hà Nội). Chương trình do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) phối hợp với Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) cùng Câu lạc bộ tiếng Pháp (Đại học Ngoại thương) tổ chức.

Thông tin từ ban tổ chức cho biết, có hơn 1.000 người đăng ký tham dự sự kiện.

Với mỗi cuốn sách đem tới đây, độc giả đổi được một cuốn sách khác có giá trị tương đương (ngoại trừ sách photo, truyện tranh, giáo trình, sách giáo khoa và các loại sách cấm lưu hành).

“Sách chết”

Trong phát biểu khai mạc ngày hội, ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc VICC có dẫn lại câu nói nổi tiếng của nhà văn-họa sỹ biếm họa người Mỹ Theodor Seuss Geisel (người được biết tới nhiều nhất với những cuốn truyện tranh viết cho thiếu nhi dưới bút danh Dr. Seuss, Theo LeSieg, và Rosetta Stone), rằng: “Bạn càng đọc nhiều, bạn càng biết được nhiều. Bạn càng học được nhiều, bạn lại càng được đi nhiều.”

Từ ý nghĩa đó, ban tổ chức coi những chuyến đi và những cuốn sách là hai phương tiện giúp các bạn trẻ phát triển bản thân, làm giàu tri thức và khám phá thế giới.

Lần đầu tiên tổ chức ngày hội trao đổi sách với chủ đề “Đi và đọc” ảnh 2Một độc giả trẻ đang điền thông tin vào phiếu đổi sách. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

“Chương trình được tổ chức nhằm kết nối những bạn trẻ yêu thích đọc sách, tạo điều kiện cho các bạn trao đổi những cuốn sách cũ, để có cơ hội đọc thêm những cuốn sách mới. Bởi thực tế, rất nhiều cuốn sách có giá không hề rẻ. Độc giả, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên rất khó có điều kiện để mua đủ những cuốn sách yêu thích,” ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Cảnh Bình cho biết thêm, thời gian gần đây, việc trao đổi sách đã trở thành một trào lưu trên mạng xã hội. Những người không quen biết gửi cho nhau những cuốn sách đã đọc. Như vậy, đọc sách - một việc làm vốn mang tính riêng tư, cá nhân đã trở thành hoạt động cộng đồng.

“Điều đó cho thấy, nhu cầu đọc sách của độc giả đang tăng lên rõ rệt. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Những cuốn sách dù hay tới đâu nhưng nếu chỉ để bày lên giá hoặc xếp trong kho - tức là không có người đọc, thì đó cũng là những cuốn 'sách chết.' Với tôi, giá trị của một cuốn sách không nằm ở giá bìa bao nhiêu tiền mà phụ thuộc vào số lượng người đọc cuốn sách đó,” ông Nguyễn Cảnh Bình bày tỏ quan điểm.


Người Việt trẻ “khát sách"

Tham dự ngày hội, Quỳnh Trang (sinh viên năm thứ hai Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, mỗi tháng bạn trích 100.000 đồng từ tiền sinh hoạt phí gia đình chu cấp để mua sách. Thế nhưng, với số tiền đó, trung bình mỗi tháng, Trang chỉ mua được một cuốn sách. Trong khi đó, những tựa sách muốn đọc lại ngày một nhiều lên.

“Bởi thế, hoạt động trao đổi sách như thế này rất thú vị, có ý nghĩa thiết thực với những người thích đọc sách nhưng không đủ tiền mua sách. Trong các thư viện cũng có rất nhiều sách nhưng thường độc giả không được mượn về nhà. Còn sau khi tham gia hoạt động trao đổi sách như thế này, người đọc có thể chủ động mang những cuốn sách mới đổi được đi bất cứ nơi đâu và đọc vào bất cứ lúc nào mình muốn, theo kiểu cũ người mới ta,” Quỳnh Trang vui vẻ nói.

Lần đầu tiên tổ chức ngày hội trao đổi sách với chủ đề “Đi và đọc” ảnh 3Nhiều bạn trẻ chăm chú theo dõi câu chuyện về niềm vui đọc sách của các diễn giả tại tọa đàm “Đi, đọc và sự nghiệp” trong khuôn khổ ngày hội. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Đại diện ban tổ chức ngày hội trao đổi sách với chủ đề “Đi và đọc” còn cho rằng, thói quen đọc sách cần được hình thành từ nhỏ: “Sẽ rất khó để những người ngoài 30 tuổi tạo dựng thói quen đọc sách. Tôi cho rằng, giai đoạn mà mỗi người có thể đọc được nhiều sách nhất là thời gian học phổ thông và đại học - khi chưa bị cuốn vào vòng xoáy của những lo toan trong cuộc sống thường nhật.”

Thế nhưng, người Việt trẻ lại luôn “khát sách.” Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc VICC đưa ra một ví dụ cụ thể: Tiến hành khảo sát tại các trường trung học phổ thông ở trung tâm huyện Đô Lương và huyện Thanh Chương (Nghệ An) vào đầu năm 2016 cho kết quả, ở mỗi trường, chỉ có khoảng 20 học sinh trả lời rằng đã đọc “Hoàng tử bé” - một tác phẩm thiếu nhi kinh điển.

Về tới các trường ở những xã vùng sâu thuộc địa bàn hai tỉnh này, số bạn trẻ từng đọc và biết tới tác phẩm này chỉ còn khoảng 5 bạn.

Lần đầu tiên tổ chức ngày hội trao đổi sách với chủ đề “Đi và đọc” ảnh 4Ngày hội thu hút rất đông bạn trẻ tham gia. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

“Lý do mà phần lớn các bạn chưa từng đọc đưa ra là không có sách để đọc,” ông Nguyễn Cảnh Bình nói.

Trong khuôn khổ ngày hội trao đổi sách với chủ đề “Đi và đọc,” 100 cuốn sách về kỹ năng lập nghiệp và xin việc cũng đã được dành tặng cho các bạn sinh viên Pháp ngữ./.

Ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ về niềm vui đọc sách.
Trước đó, trong thời gian từ ngày 25/8-16/9, ban tổ chức đã tiến hành thu nhận sách cũ tại hai địa điểm: Sảnh B - Đại học Ngoại thương (số 91 Chùa Láng, Hà Nội) và Campus Hà Nội (số 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Số lượng sách thu được là khoảng 1.000 cuốn, thuộc nhiều thể loại khác nhau như: sách văn học, kỹ năng sống, lịch sử, khoa học thường thức…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục