Lần đầu tiên Tây Ninh đạt toàn bộ chỉ tiêu về kinh tế-xã hội

Năm 2022 đánh dấu lần đầu tiên thu ngân sách của Tây Ninh vượt ngưỡng 11.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu thu ngân sách trước thời hạn; nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Sau ba ngày diễn ra, ngày 9/12, Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm đánh giá, mặc dù tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 đạt kết quả khả quan nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, cơ hội.

Quy mô và năng lực cạnh tranh kinh tế, nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế. Cơ cấu lại nền kinh tế và triển khai các đột phá phát triển chưa đạt kết quả như mong muốn. Hiệu quả quản lý nhà nước ở một số ngành, lĩnh vực chưa cao như tTrật tự đô thị, vệ sinh-môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đề nghị sau kỳ họp, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan hữu quan tập trung chỉ đạo, nhanh chóng cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

[Những miền quê khởi sắc nhờ xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh]

Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được, tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế, nhất là sớm tháo gỡ các “điểm nghẽn” phát triển đã được xác định; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả xúc tiến đầu tư, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện đầu tư theo chủ trương, dự án đã được cấp phép; tập trung giải quyết các bất cập trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…

Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua 34 nghị quyết quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nổi bật là Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, với dự toán thu ngân sách Nhà nước đạt 11.000 tỷ đồng, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP-theo giá so sánh 2010) tăng 8% trở lên, GRDP đầu người đạt 4.100 USD, kim ngạch xuất khẩu tăng 8%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12%, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh bằng 37% GRDP...

Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2023; Nghị quyết về phê chuẩn phân bổ ngân sách địa phương năm 2023…

Nói về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, ông Võ Đức Trong, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết, lần đầu tiên tỉnh Tây Ninh đạt 19/19 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, vượt kế hoạch so với Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.

Thu ngân sách của tỉnh lần đầu tiên vượt ngưỡng 11.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu thu ngân sách trước thời hạn và xếp thứ 7 cả nước.

Đặc biệt, Tây Ninh được xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao (đạt 96%).

Tuy nhiên, năm 2022, phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tuy có bứt phá nhưng vẫn còn khó khăn, nhất là các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng của tình hình thế giới nên thiếu đơn hàng xuất khẩu, phải giảm quy mô sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục