Chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 16/4 đến ngày 19/4/2021 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Với nhiều hoạt động đặc sắc, chương trình thiết thực chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chào mừng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (18/4).
Điểm nhấn của chương trình là đêm nghệ thuật Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 diễn ra ngày 16/4, dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình gồm 4 chương: “Cội nguồn,” “Vầng dương soi chiếu,” “Khát vọng” và “Văn hóa các dân tộc hội tụ, phát triển.” Nghệ sỹ nhân dân Quang Vinh sẽ là tổng đạo diễn của chương trình.
Từ ngày 16/4 đến 19/4/2021, Ban tổ chức sẽ giới thiệu, trình diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo vùng miền: Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam; hát Xoan Phú Thọ; dân ca Quan họ Bắc Ninh; ca trù; dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; nhã nhạc cung đình Huế; nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam; không gian văn hóa bồng chiêng Tây Nguyên; đờn ca tài tử Nam Bộ.
Nhân dịp này, Hội nghị tổng kết 5 năm tổ chức hoạt động hàng ngày của đồng bào dân tộc tại Làng cũng sẽ diễn ra trong ngày 16/4. Hội nghị nhằm đề xuất phương thức hoạt động, cơ chế, chính sách, sự phối hợp của các Bộ, Ban ngành, địa phương trong việc huy động nghệ nhân ở các địa phương tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng trong thời gian tới.
Trong suốt 4 ngày diễn ra lễ kỷ niệm, các nghệ nhân đến từ 17 cộng đồng dân tộc của 15 tỉnh, thành sẽ triển lãm, trình diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Đặc biệt, chương trình năm nay sẽ tái hiện những lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc như lễ rước nước (phục ruộc) trong lễ hội Kinh Dương Vương của dân tộc Kinh, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là lần đầu tiên lễ hội này được tái hiện tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Lễ rước nước là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh sống động, đặc sắc của cộng đồng cư dân nông nghiệp được trao truyền từ đời này sang đời khác với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu nước, cầu mùa màng tươi tốt, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Các hoạt động hội theo nghi thức truyền thống gồm có hát quan họ trên thuyền, hát xẩm, hát văn tạo không khí ngày hội.
Ngoài ra, đồng bào các dân tộc còn tái hiện lễ Bỏ mả (Pơ thi) của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai. Lễ Bỏ mả (Pơ thi) là lễ hội tiễn đưa linh hồn người đã khuất về với thế giới của Yàng (trời), đây là một trong những lễ hội lớn nhất của dân tộc Gia Rai, quy tụ những giá trị văn hóa đặc sắc; lễ mừng lúa mới “Kin Khẩu hó” dân tộc Lào; Tết Chol Chnam Thmây của dân tộc Khmer và trình diễn di sản văn hóa Mo Mường của dân tộc Mường.
Ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cho hay đây là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ giao lưu, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mang đậm bản sắc của dân tộc mình, góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam đến với nhân dân và du khách.
“Kể từ năm 2008, khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chọn ngày 18/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các hoạt động văn hóa để kỷ niệm ngày này,” ông Trịnh Ngọc Chung cho biết.
“Trong những năm qua, những hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và hoạt động thường kỳ hàng tháng đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc cho đông đảo người dân, du khách, đặc biệt là giới trẻ. Họ được trực tiếp tham gia các nghi lễ, lễ hội đặc sắc, trải nghiệm tìm hiểu nghề thủ công do các nghệ nhân trình diễn,” ông nói./.