Lần đầu tiên phong tặng Nghệ nhân dân gian hát chầu văn

Tối 14/9 tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 11 nghệ nhân thực hành diễn xướng và truyền dạy nghi lễ chầu văn.
Lần đầu tiên phong tặng Nghệ nhân dân gian hát chầu văn ảnh 111 nghệ nhân thực hành diễn xướng và truyền dạy nghi lễ chầu văn được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tối 14/9 tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 11 nghệ nhân thực hành diễn xướng và truyền dạy nghi lễ chầu văn.

Đây là sự kiện trong khuôn khổ Chương trình nghệ thuật và diễn xướng Nghi lễ chầu văn đồng bằng Bắc bộ lần thứ II. Được sự cho phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn h​óa, Thể thao và Du lịch), Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và sự bảo trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật và diễn xướng Nghi lễ chầu văn đồng bằng Bắc bộ lần thứ II nhằm mục đích vinh danh các nghệ nhân dân gian hát Văn, các thanh đồng đã có công nắm giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Với ý nghĩa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đề cao đức tính tốt đẹp của người phụ nữ thông qua hình ảnh đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong hệ thống Tam Tứ Phủ của người Việt được thờ phụng rộng khắp trên cả nước ở các Đền Phủ, từ miền xuôi lên đến miền ngược​, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu được Bộ trưởng bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận: “Nghi lễ Chầu văn là của người Việt”.

Phát biểu tại buổi lễ, Nghệ sỹ ưu tú Trần Nhượng cho biết, sau thành công của lần tổ chức đầu tiên, Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam tổ chức “Chương trình nghệ thuật và diễn xướng Nghi lễ chầu văn đồng bằng Bắc bộ lần thứ II.”

Chương trình nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ Văn h​óa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng như sự quan tâm đón nhận của đông đảo khán giả.

Lần đầu tiên phong tặng Nghệ nhân dân gian hát chầu văn ảnh 2Các khán giả được thưởng thức chương trình nghệ thuật và diễn xướng nghi lễ chầu văn với sự tham gia của rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng vừa được phong tặng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa - thủ nhang đền Lưu Phái (Hà Nội) cũng bày tỏ biết ơn tới Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng như các nhà khoa học, các thanh đồng… những năm qua đã dày công nghiên cứu để đưa giá trị văn h​óa tín ngưỡng hát chầu văn có một vị trí nhất định, được cơ quan quản lý nhà nước công nhận di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc và đang trình hồ sơ đến UNESCO.

Ông Nguyễn Tiến Nghĩa cũng cho biết thêm, việc phong tặng của các cơ quan chức năng đối với những nghệ nhân có nhiều đóng góp vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của các thanh đồng trong việc phụng sự Phật thánh, giữ gìn những nét văn h​óa truyền thống.

Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng (Sinh năm 1978, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên tại vùng quê vốn là cái nôi bảo tồn truyền thống tín ngưỡng phi vật thể nên ngay từ nhỏ tôi đã được nghe rất nhiều những vị trưởng bối dạy dỗ, giúp tôi thực hành đạo và được như ngày hôm nay.”

Tại buổi lễ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã vinh danh và trao kỷ niệm chương cho 11 nghệ nhân dân gian Việt Nam lĩnh vực thực hành diễn xướng chầu văn./.

Danh sách 11 Nghệ nhân dân gian thực hành diễn xướng và truyền dạy nghi lễ chầu văn:

1 – Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1933, Bản Đền Đông Cuông Vọng Từ  - Linh Phúc Linh Từ (Số 2/4 ngõ 251 Hoàng Hoa Thám, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội).

2 – Trần Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1947, Ba Nàng Vọng Điện (Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

3 – Hoàng Đức Trí, sinh năm 1953, Bản Đền Phúc Khánh Linh Từ  (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

4 – Chu Đình Xuân, sinh năm 1955, Đền Vô Hoạn Linh Từ, Thờ Mẫu Đệ Tam (Nam Định).

5 – Phạm Thanh Tùng, sinh năm 1957, Thanh Quang Điện (Triều Khúc, Tân Triều, Hà Nội).

6 – Lưu Ngọc Đức, sinh năm 1954, Bản Đền Lảnh Giang Vọng Từ (16 Hàng Hành, Hà Nội).

7 – Nguyễn Tiến Nghĩa, sinh năm 1962, Đền Yên Thành, Đền Lưu Phái, Đền Tiên Hương. (28 Phan Hữu Ích, phường Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội).

8 – Nguyễn Văn Được, sinh năm 1968, Đền Vọng Tiên Hương (Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên).

9 – Trần Văn Hải, sinh năm 1974, Bản Đền: Đền Thượng Bồng Lai, Bát Hải Vọng Từ (Sóc Sơn, Hà Nội).

10 – Bùi Văn Kiên, sinh năm 1976, Bản Điện: Đệ Ngũ Bảo Linh (Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên).

11 – Hoàng Tiến Hưng, Đền Điện Phật Thánh Mẫu và Mỏ Hạc Vọng Từ (Triệu Xuyên, Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục