Ngày 25/7, các nhà thiên văn học quốc tế thông báo lần đầu tiên phát hiện một hồ nước ngầm lớn trên Sao Hỏa, củng cố thêm niềm tin về khả năng có nhiều nước, thậm chí là sự sống, tồn tại trên Hành tinh Đỏ.
Theo công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Italy công bố trên tạp chí Science của Mỹ, hồ nước nói trên nằm sâu 1,5km bên dưới một lớp băng và có chiều rộng khoảng 20km. Đây là hồ chứa nước ở dạng lỏng lớn nhất được phát hiện trên Sao Hỏa.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hồ nước ngầm này nhờ các thiết bị radar trên tàu Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu được phóng lên vũ trụ vào năm 2003. Khu vực thuộc phạm vi nghiên cứu là vùng đỉnh băng ở cực Nam của Sao Hỏa. Dữ liệu radar của khu vực này tương tự dữ liệu đo được ở các hồ nước dạng lỏng bên dưới các lớp băng ở Bắc Cực và đảo Greenland.
[NASA có kế hoạch đưa máy bay không người lái lên sao Hỏa]
Kết quả trên được đánh giá là bất ngờ và mở ra hy vọng về khả năng có sự sống trên Sao Hỏa, cũng như vén bức màn bí ẩn về giả thuyết từng có sự sống trên Hành tinh Đỏ trong thời cổ đại. Trong những nghiên cứu công bố trước đây, các nhà khoa học đã nhiều lần tìm thấy dấu hiệu của nước trên bề mặt Sao Hỏa nhưng đó chỉ là nước đóng băng ở thể rắn.
Tuy nhiên, kết quả này cũng gây tranh cãi trong giới chuyên gia khi nhiều người cho rằng nước trong hồ không thể uống được, trong khi khả năng tồn tại sự sống (vi khuẩn) trong đó cũng bị hoài nghi do hồ quá lạnh và nhiều muối khoáng.
Nhiệt độ trong hồ dưới ngưỡng đóng băng đối với nước tinh khiết, song nước ở đây vẫn ở dạng lỏng do trong thành phần nước có magiê, canxi và natri.
Một số nhà khoa học cũng tỏ ra hoài nghi khi cho rằng cần có một tàu vũ trụ hoặc một thiết bị radar khác xác minh lại thông tin. Trước đó, thiết bị radar tần số cao hơn, do Cơ quan Vũ trụ Italy chế tạo, trên tàu Mars Reconnaissance phóng năm 2005 đã không thể phát hiện nước dưới băng.
Theo giới khoa học, Sao Hỏa ngày nay lạnh và khô cằn, song đã từng rất ấm áp và ẩm ướt với nhiều hồ nước dạng lỏng cách đây 3,6 tỷ năm./.