Làm thương hiệu qua 6 giác quan và phần thưởng xứng đáng

Một cửa hàng của Nike đã tăng khả năng bán hàng lên 80% khi sử dụng một mùi hương, giúp khách hàng dễ chịu, khiến họ ở lại cửa hàng lâu hơn và qua đó có thời gian để tìm kiếm thêm sản phẩm.
Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Việc xây dựng một thương hiệu vững chắc luôn là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm kinh tế số bùng nổ. Thế nhưng, để xây dựng một thương hiệu thành công, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược bài bản.

Làm thương hiệu qua 6 giác quan

Tại buổi tọa đàm “Xây dựng thương hiệu dẫn đầu dựa trên đổi mới sáng tạo” do Trung tâm sáng tạo và ươm tạo FTU (Trường Đại học Ngoại thương) tổ chức sáng 7/8 dành cho đông đảo sinh viên, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc điều hành Richard Moore Associates (Mỹ) cho hay, các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu qua 6 giác quan. Thương hiệu lần đầu tiên được sử dụng tại Ai Cập cổ đại thông qua việc người ta nung sắt đỏ với các hình dáng để đánh dấu quyền sở hữu trên các con thú.

[Sở hữu trí tuệ: Tài sản quan trọng của người khởi nghiệp sáng tạo]

Tuy nhiên, đó chỉ là cách làm thương hiệu cổ xưa. Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số cùng nhiều thách thức. Với một sản phẩm, có thể có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà cung cấp. Do đó, vai trò của thương hiệu trở nên hết sức quan trọng, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Ông Sơn cho rằng, thương hiệu cần tương tác trực tiếp vào các giác quan, thông qua các công cụ điển hình như bộ nhận diện, phong cách quảng cáo sáng tạo hoặc các nội dung thu hút khách hàng.

Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: behance.net)

Sáu giác quan mà ông Sơn nói tới trong việc xây dựng thương hiệu chính là thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác, khứu giác và cảm xúc (cảm nhận).

Ông Sơn kể ra câu chuyện về một cửa hàng của Nike đã tăng khả năng bán hàng lên 80% khi sử dụng một mùi hương, giúp khách hàng dễ chịu, khiến họ ở lại cửa hàng lâu hơn và qua đó có thời gian để tìm kiếm thêm sản phẩm. Hoặc, một câu chuyện nhãn rượu vang của Austrailia thành công tại thị trường Mỹ khi có kiểu dáng, thiết kế bên ngoài tách biệt và nổi bật so với những chai rượu vang truyền thống…

Nói về tác động tới thính giác, ông Sơn đưa ra ví dụ về một nhà hàng ở Mỹ đã bị giảm tới 24% doanh thu khi tắt những âm thanh tác động tới thực khách. Hoặc, bia Huda đã tạo ra một ý tưởng lớn trong việc làm thương hiệu là tự hào miền Trung với một bài hát sôi động…

Bảo vệ thương hiệu: Bài toán sống còn

Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của công nghệ, các cách làm thương hiệu của doanh nghiệp hiện nay đa dạng và phong phú hơn. Ngay chuyện chọn kênh nhận diện thương hiệu cũng là vấn đề trở nên dễ dàng vì ngoài các phương tiện truyền thống như quảng cáo báo in, đài truyền hình, đài tiếng nói, báo điện tử… thì còn các kênh mới như mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin, di động…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rõ ràng những dấu hiệu nhận biết qua các giác quan là cực kỳ quan trọng trong quá trình làm thương hiệu của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch cộng đồng Keieijjuku Việt Nam - Nhật Bản, Tổng Giám đốc công ty điện tử Hanel PT, Chủ tịch tập đoàn nông nghiệp hữu cơ Orgen bổ sung, muốn phát triển thì các sản phẩm phải thay đổi để tránh những điểm dừng. Do đó, làn sóng đổi mới sáng tạo sẽ tạo cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Hidetaka Yoshikawa, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Takara Belmont (Nhật Bản) thì khẳng định, việc tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường chính là tạo cơ hội phát triển cho cả doanh nghiệp và thị trường.

Theo các chuyên gia, việc tạo dựng thương hiệu đã khó, nhưng giữ được thương hiệu để phát triển được xem là bài toán sống còn của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, đã có một số đơn vị học được những bài học “xương máu” từ câu chuyện này. Đơn cử như càphê Trung Nguyên năm 2000 bị "thâu tóm" bởi một công ty đăng kí bảo hộ thương hiệu tại Mỹ và một số quốc gia trên thế giới thông qua Văn phòng WIPO (Tổ chức Trí tuệ thế giới). Sau hai năm đàm phán, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu này; hay chuyện nước mắm Phú Quốc bị đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ và cộng đồng chung châu Âu, Trung Quốc và Australia…

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, luật sư Tám Trần, Giám đốc Công ty IPCOM cho hay, thực tế tại Việt Nam đã có những đơn vị bị ảnh hưởng lớn do xây dựng thương hiệu không dựa trên tài sản trí tuệ.

Theo luật sư Tám Trần, xây dựng thương hiệu dựa trên nền tảng tài sản trí tuệ là quan hệ phát triển bền vững. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đảm bảo cho cho các chủ thể yên tâm đầu tư tiền bạc, công sức và thời gian xây dựng danh tiếng và uy tín cho dịch vụ của mình. Và, đến lượt mình, thương hiệu sẽ tạo ra giá trị to lớn cho tài sản trí tuệ bằng việc các chủ thể thu được lợi nhuận từ việc trực tiếp cung cấp dịch vụ hoặc cho phép người khác cung cấp dịch vụ mang tên mình.

“Cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt và kinh tế hiện đại sẽ thưởng công xứng đáng cho những chủ thể am hiểu về tầm quan trọng và những quy tắc gia tăng giá trị sản phẩm/dịch vụ dựa trên tài sản trí tuệ mà họ nắm giữ,” luật sư Tám Trần cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục