Làm công ích kiếm tiền tỷ

Làm thoát nước, chiếu sáng ở TPHCM kiếm tiền tỷ

Lương của người làm ở các công ty công ích TP.HCM như chiếu sáng, thoát nước cao bất thường, bình quân gần 53 triệu đồng/tháng.
Lương của nhiều viên chức quản lý, lao động tại các công ty công ích tại Thành phố Hồ Chí Minh cao bất thường và thiếu công bằng.

Điển hình, lương của giám đốc lên tới 2,6 tỷ đồng/năm, kế toán trưởng là 1,7 tỷ đồng/năm; lương bình quân của người lao động của một doanh nghiệp công ích đạt mức gần 53 triệu đồng/tháng. Đây là những nội dung được lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo kết luận ngày 26/8.

Theo kết luận này, hàng tỷ đồng đã bị các công ty gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chiếu sáng công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình Cầu phà chi sai, thiếu công bằng.

Cụ thể, đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước đô thị, công ty này đã sử dụng quỹ lương của người lao động để chi tiền lương, tiền thưởng cho 7 viên chức quản lý sai quy định. Số tiền phải thu hồi hơn 3,2 tỷ đồng chi cho viên chức quản lý sai qui định năm 2011.

Đối với sai phạm của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn, số tiền chi sai và phải thu hồi hơn 554 triệu đồng trong năm 2011.

Trong khi đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chiếu sáng công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu thu hồi toàn bộ số tiền hơn 2,5 tỷ đồng chi cho viên chức quản lý sai quy định của năm 2011.

Ngoài những sai phạm nêu trên, theo kết luận của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ở các công ty trên, tiền lương cao bất thường, chế độ tiền lương bất bình đẳng.

Cụ thể, lương của viên chức quản lý tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước đô thị lần lượt là giám đốc năm 2012 là 2,6 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên là 1,6 tỷ đồng, lương của kế toán trưởng là 1,67 tỷ đồng, lương của phó giám đốc là 969 triệu đồng.

Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chiếu sáng công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, lương của viên chức lãnh đạo như giám đốc 2,2 tỷ đồng/năm (2012), Chủ tịch Hội đồng thành viên là 2,4 tỷ đồng/năm, phó giám đốc là 1,9 tỷ đồng/ năm, kế toán trưởng là 1,7 tỷ đồng/năm.

Tương tự, lương của viên chức quản lý tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình Cầu phà cũng cao bất thường với mức từ 655 triệu đồng đến 856 triệu đồng/năm.

Không chỉ vậy, lương bình quân của người lao động tại 4 doanh nghiệp công ích trên cũng cao bất thường. Trong khi lương bình quân của lao động tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố Hồ Chí Minh là 7,3 triệu đồng/tháng, thì lương bình quân của người lao động tại 4 doanh nghiệp công ích nêu trên là hơn 22,2 triệu đồng/tháng.Trong đó, lương bình quân của người lao động tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chiếu sáng công cộng Thành phố Hồ Chí Minh là cao nhất, với hơn 52,9 triệu đồng/tháng.

Trước việc lương cao bất thường trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà yêu cầu các công ty trên báo cáo nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng thu nhập cao bất thường của viên chức quản lý, mức lương bình quân cao hơn nhiều so với bình quân chung và trả lương bất bình đẳng trong nội bộ doanh nghiệp.

Trong đó, tập trung vào phân tích về quan điểm của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc chi trả lương cho giám đốc doanh nghiệp công ích cao bất thường và cao hơn nhiều lần lương trung bình toàn công ty và đặc biệt, cao hơn nhiều lần của người lao động mùa vụ, Cụ thể, ở Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước đô thị, thu nhập của giám đốc cao gấp 41 lần lao động mùa vụ.

Ngoài quyết định thu hồi tài sản, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các công ty này thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi của người lao động đã bị tước đoạt từ những năm trước đây cho đến nay như bảo hiểm xã hội, đền bù những thiệt hại do áp dụng các chế độ bất bình đẳng giữa những người lao động trong công ty; báo cáo nguyên nhân và quan điểm khi thực hiện đối xử bất công đối với một bộ phận lao động, những người trực tiếp lao động trong điều kiện khó khăn, độc hại và nguy hiểm.../.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục