Làm thế nào Pháp có thể đảm bảo an ninh cho Euro 2016?

Vụ khủng bố vào tối ngày 13/11 (giờ Pháp) tại Paris giống như đòn giáng mạnh vào tham vọng tổ chức thành công kỳ Euro 2016 của nước chủ nhà Pháp.
Khán giả tràn xuống sân Stade de France sau khi nghe tin về các vụ tấn công. (Ảnh: AP)

Vụ khủng bố vào tối ngày 13/11 (giờ Pháp) tại Paris giống như đòn giáng mạnh vào tham vọng tổ chức thành công kỳ Euro 2016 của nước chủ nhà Pháp. Thậm chí còn xuất hiện những nguồn tin cho rằng Pháp sẽ ​cần xem xét lại tư cách đăng cai kỳ Euro năm sau, theo đó Anh sẽ là quốc gia được chọn để thay thế...

Chưa biết nguồn tin này xác thực tới mức nào nhưng đó rõ ràng là điều mà không ít người nghĩ tới khi chứng kiến thảm họa này tại kinh đô ánh sáng. Sân vận động Stade de France với hơn 80.000 khán giả và gần một trăm người tới từ hai đội tuyển Pháp và Đức lẽ ra cũng đã bị đánh bom nếu như nhân viên an ninh không từ chối cho kẻ khủng bố bước vào sân.

Stade de France là một trong 10 sân vận động tổ chức Euro trên lãnh thổ nước Pháp vào mùa Hè sang năm, và vinh dự được chọn làm nơi tổ chức lễ khai mạc cũng như trận chung kết. Việc nhóm khủng bố có ý định vào sân để thực hiện cuộc đánh bom cho thấy chúng sẵn sàng tạo ra những thương vong ở mức độ cao nhất. Và thậm chí có thể khẳng định, sân Stade de France là mục tiêu lớn nhất của nhóm khủng bố chứ không phải nhà hát Bataclan.

Những lo ngại về công tác an ninh của Euro 2016 thực chất đã được dấy lên kể từ khi tòa soạn báo Charlie Hebdo bị tấn công vào đầu tháng một khiến 17 người chết. Những xung đột về sắc tộc, chính sách nhập cư được xem như là nguyên nhân chính dẫn tới sự thù địch của các nhóm khủng bố tới nước Pháp.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm sau cuộc tấn công này, và chưa ai dám chắc tới tháng 6/2016, nhóm khủng bố khát máu này không một lần nữa hướng súng đạn tới “mảnh đất hình lục lăng.”

Công tác an ninh tại Pháp đã luôn bị xem nhẹ trong suốt nhiều năm qua. Sau vụ Charlie Hebdo, đã xuất hiện nhiều hơn cảnh sát trên đường phố Pháp song sự an toàn bị đặt những dấu hỏi khi tất cả chỉ được trang bị vũ khí thô sơ và hoàn toàn không có khả năng chiến đấu. Sau thảm họa tại Paris, cả Châu Âu đang hướng con mắt về nước Pháp không chỉ để đồng cảm mà còn phần nào đó là soi xét xem liệu chính phủ của ông Francois Hollande có đưa ra được những thay đổi lớn nào về an ninh hay không.

Được đánh giá là ứng cử viên số một cho chức vô địch Euro mùa hè sang năm, giờ thì cơ hội lên ngôi vương của Les Blues đang được đặt dưới những áp lực khổng lổ. Pháp có thể vượt qua tất cả những điều đó để vô địch, không ai biết, và thậm chí không ai muốn nghĩ tới điều đó vào thời điểm hiện tại. Mạng sống của rất nhiều người đang bị đe dọa, Euro và bóng đá bỗng trở nên nhỏ bé lạ thường trước điều ấy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục