Tại Internet Day 2023, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, theo thống kê của ITU, số người sử dụng Internet toàn cầu trong năm 2023 đã tăng 100 triệu, chạm mốc 5,4 tỷ người, tương đương 67% dân số thế giới.
Theo dự báo của Statista, thế giới sẽ có hơn 7,5 tỷ người dùng Internet và hơn 29 tỷ thiết bị IoT tới năm 2030.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Wearesocial và DataReportal, tính đến tháng 1/2024 chúng ta có 78,44 triệu người sử dụng Internet tương đương 79,1% dân số.
Sự bùng nổ về kết nối Internet sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho hạ tầng Internet - hạ tầng lõi cho các kết nối trong kỷ nguyên số. Để bảo đảm hạ tầng Internet có thể đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, công tác phát triển hạ tầng cần được xây dựng, định hướng một cách bài bản với mục tiêu an toàn, bền vững.
Internet là hạ tầng quan trọng
Tại hội nghị VNNIC Internet Conference 2024 diễn ra hôm 7/6 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, từ thời điểm chính thức kết nối với toàn cầu năm 1997, Internet Việt Nam đã phát triển nhanh, lớn hơn về quy mô, nhanh hơn về kết nối, hiện đại hơn về công nghệ. Từ một mạng độc lập duy nhất, Internet đã phát triển lên tới gần 1.000 mạng có địa chỉ Internet (IP) và số hiệu mạng độc lập kết nối với nhau.
Hiện nay, tỷ lệ chuyển đổi sử dụng địa chỉ Internet mới - giao thức Internet thế hệ 6 (IPv6) của Việt Nam đạt khoảng 60%, thuộc nhóm 10 quốc gia cao nhất toàn cầu. Mục tiêu của Việt Nam là sẽ chuyển đổi thành công IPv6 vào năm 2030.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, một trong những quan điểm phát triển được xác định rõ trong "Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đó là hạ tầng thông tin và truyền thông là hạ tầng cho Chuyển đổi số Quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian mới so với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, Internet là một trong những hạ tầng quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển dữ liệu số, công nghệ số và chuyển đổi số.
Để đáp ứng giai đoạn chuyển đổi số, theo Thứ trưởng Dũng hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến, tương thích với sự phát triển của các công nghệ mới nhưng đảm bảo sự an toàn và bền vững.
An toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển các công nghệ mới
Để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến, tương thích với sự phát triển của công nghệ mới nhưng đảm bảo sự an toàn, bền vững.
Trao đổi tại Hội nghị, ông Paul Wilson - Giám đốc Trung tâm thông tin mạng khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) cho biết, ông đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet Việt Nam trong suốt 30 năm qua đồng thời cũng nhấn mạnh Trung tâm Internet Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển Internet Việt Nam.
Ở góc độ của cơ quan được Bộ Thông tin và Truyền thông giao trực tiếp triển khai các hoạt động nhằm hiện thực hóa những định hướng phát triển Internet Việt Nam, Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng cho biết, Internet chịu tác động mạnh mẽ từ sự phát triển nhanh chóng và ứng dụng của các công nghệ mới như 5G, IoT, Cloud Computing, big data, AI…
Theo ông Thắng, để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến hơn nữa.
Dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề trên Internet
Ông Paul Wilson - Giám đốc Trung tâm thông tin mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) cho biết kỷ nguyên thông minh với sự phát triển của các công nghệ mới dẫn đến sự bùng nổ thiết bị kết nối, truyền tải dữ liệu trong các mọi hoạt động đời sống, đặt ra nhiều thách thức cho hạ tầng Internet.
Internet khu vực hiện kết nối 1 tỷ người và có những thách thức, rủi ro như phân mảnh, manh mún, bảo mật mà theo đó rất cần có sự hợp tác của các bên để đảm bảo không để những rủi ro xảy ra. APPNIC hợp tác với VNNIC để thực hiện đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức kỹ thuật về Internet.
Ngoài ra còn có những thách thức từ sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây hay thách thức từ tình trạng lạm dụng tài nguyên Internet để thực hiện các hành vi, hoạt động lừa đảo, có hại hoặc bất hợp pháp cho người dùng.
Ông Paul Wilson cũng nhấn mạnh sứ mệnh của APPNIC cũng như các cơ quan quản lý Internet trong khu vực là đảm bảo mạng Internet mở, an toàn và ổn định thông qua phân bổ tài nguyên Internet, tạo niềm tin cho người dùng.
Còn theo Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng, thách thức đầu tiên và lớn nhất với sự an toàn, bền vững của Internet là vấn đề nhận thức về sự cần thiết đảm bảo an toàn ở lớp hạ tầng. "Hạ tầng rất quan trọng cho sự phát triển, và hạ tầng Internet là hạ tầng cốt lõi cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số."
Tiếp theo ông Thắng cũng cho biết, khi xây dựng hạ tầng Internet thì chúng ta cần quan tâm sử dụng hiệu quả tài nguyên Internet. Thách thức cuối cùng là Internet càng ngày càng lớn hơn. Theo ông Thắng, trong tương lai không chỉ Internet cho con người, cho máy mà còn Internet vạn vật. Trong tương lai sẽ có hàng tỷ thiết bị kết nối vào mạng Internet thì cần một không gian địa chỉ Internet lớn hơn.
Trước những thách thức như vậy theo ông Thắng, Việt Nam được đánh giá đang giải quyết tốt các thách thức để đảm bảo an toàn, bền vững của Internet bao gồm cả vấn đề nâng cao nhận thức về sự cần thiết đảm bảo an toàn ở lớp hạ tầng Internet.
"Công nghệ tạo ra nhiều giá trị và công nghệ cũng tạo ra những thứ chúng ta cần giải quyết. Theo tôi nghĩ, chúng ta sẽ dùng công nghệ để giải quyết những phát sinh từ công nghệ, đó là cách hiệu quả nhất. Với công nghệ thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề quy mô lớn, tốc độ xử lý nhanh."
Người đứng đầu VNNIC cũng dẫn chứng việc tên miền .vn đến năm 2024 đã chính thức 30 năm hiện diện trên Internet toàn cầu. Tuy nhiên khi sử dụng tên miền cũng không tránh khỏi bị lạm dụng nên VNNIC đã xây dựng các giải pháp để giải quyết các vấn đề đó.
"Chúng tôi đã xây dựng một cổng tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị tên miền tốt hay xấu bị lạm dụng hay không, dùng sức mạnh của cộng đồng cùng chung tay đóng góp xây dựng một cơ sở dữ liệu về lạm dụng tên miền Việt Nam. Khi mà cơ quan quản lý có cơ sở dữ liệu này thì chúng tôi hoàn toàn có thể dùng công nghệ để phân tích, xử lý và phân loại tên miền nào xấu thì có thể có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn và xử lý."
Ông Thắng cũng cho biết đã hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu để ứng dụng AI trong việc phát hiện các tên miền ngay khi người ta đăng ký có nguy cơ sử dụng vào mục đích xấu. "Chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu và sớm đưa vào hoạt động trong năm 2024."
Ông Thắng cũng cho cho rằng: “Sự phát triển an toàn, bền vững của hạ tầng Internet cần sự chung tay, hợp tác của cả cộng đồng kỹ thuật và các bên trong hệ sinh thái Internet. VNNIC Internet Conference hy vọng sẽ tiếp tục được cộng đồng phát triển, mở rộng, là diễn đàn về công nghệ, kỹ thuật chuyên sâu, định hình nên bức tranh tương lai Internet Việt Nam lớn hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn."