Làm thế nào để chấm dứt đại dịch COVID-19 trong năm nay?

Công tác nghiên cứu phát triển 1 loại vắcxin an toàn, hiệu quả và có thể được sử dụng rộng rãi nhằm ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đang tiến triển rất nhanh.
Làm thế nào để chấm dứt đại dịch COVID-19 trong năm nay? ảnh 1Vắcxin ngừa COVID-19 được phát triển bởi công ty Novavax tại Gaithersburg, bang Maryland, Mỹ ngày 20/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng project-syndicate.org đưa tin, công tác nghiên cứu phát triển một loại vắcxin an toàn, hiệu quả và có thể được sử dụng rộng rãi nhằm ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đang tiến triển rất nhanh chóng.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào loại vắcxin này mới ra đời, bởi điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta điều phối việc sản xuất và phân phối các loại thuốc mới.

Mặc dù Nhóm Tiếp cận Công nghệ COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hứa hẹn tăng cường khả năng tiếp cận các loại thuốc mới, song mức độ tiếp cận thực tế với các loại vắcxin và các phương pháp điều trị còn phải phụ thuộc vào năng lực sản xuất của từng nước - điều vẫn còn hạn chế bởi sự phi công nghiệp hóa tại nhiều quốc gia.

Thêm vào đó, mặc dù việc xét nghiệm phổ quát vẫn luôn là một phương pháp kiểm soát đại dịch khả thi, hiệu quả và luôn sẵn sàng được áp dụng một cách khẩn cấp cho đến khi nào một loại vắcxin ra đời, song cách tiếp cận này cũng đòi hỏi năng lực sản xuất và sự quản lý đúng mực về lợi ích công.

Ngay cả ở các nền kinh tế phát triển, việc quá phụ thuộc vào lĩnh vực tư có thể cũng cản trở các chính phủ tối đa hóa việc sản xuất và triển khai các bộ xét nghiệm.

Chẳng hạn, chính phủ Anh đã đề xuất một chương trình xét nghiệm với tốc độ và quy mô lớn, song chiến lược thực tế của chương trình này vẫn cần được giải thích cụ thể hơn. Nó đòi hỏi một tầm nhìn ở quy mô toàn diện và có hệ thống. Áp dụng xét nghiệm phổ quát sẽ đòi hỏi sự đóng góp của một mạng lưới phức tạp gồm nhiều nhân tố và thể chế.

Để đạt được hiệu quả thực sự, bất kỳ chương trình nào như thế này đều cần phải được lên kế hoạch để có thể tạo ra sức bền một cách có hệ thống cũng như tạo ra giá trị công.

Như chủ nhân giải Nobel kinh tế Paul Romer và nhà dịch bệnh học Michael Mina đã chỉ ra trong văn kiện mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng giống như nhiều văn kiện khác, một chương trình xét nghiệm phổ quát được lên kế hoạch chi tiết cho thể chấm dứt đại dịch chỉ trong vòng vài tháng.

Những thành phần còn thiếu là các chính sách kỹ nghệ và những biện pháp khác của chính phủ để hợp tác và điều phối hoạt động sản xuất nhằm giảm bớt sức ép mà lĩnh vực tư phải đối mặt.

Công nghệ xét nghiệm cần thiết trong các cuộc xét nghiệm chẩn đoán nhanh - chẳng hạn như xét nghiệm nước bọt - dựa trên việc xét nghiệm kháng thể tương tự như các phương pháp thử thai tại nhà và có chi phí dưới 5 USD - đã xuất hiện.

Mặc dù phương pháp này không chính xác bằng phương pháp xét nghiệm phản ứng chuỗi polumerase (PCR), song nó cũng đủ rõ ràng để phát hiện mức độ lây nhiễm dịch bệnh, và quan trọng là không cần phải có các phòng thí nghiệm tập trung để thực hiện phương pháp này.

Như vậy, với một chương tình được thiết kế đặc biệt nhằm xem xét một cách cẩn trọng chức năng và những hạn chế của công nghệ được triển khai, các đợt xét nghiệm nhanh có thể tạo điều kiện cho các chương trình xét nghiệm phổ quát phi tập trung ở mức cộng đồng.

Chẳng hạn, hoạt động xét nghiệm được bố trí miễn phí tại các hiệu thuốc ở địa phương, với hy vọng rằng bất kỳ ai cũng có thể tự xét nghiệm được cho mình và sẽ tự cách ly nếu có kết quả xét nghiệm dương tính.

[Hãng dược phẩm Eli Lilly xin cấp phép điều trị COVID-19 bằng kháng thể]

Những bộ xét nghiệm tương tự cũng được sử dụng như các tấm hộ chiếu “không nhiễm bệnh” để được phép ra vào các không gian công cộng như trường học và nơi làm việc. Trong trường hợp này, một thị trường mới có thể sẽ nổi lên khi mà các hãng hàng không, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán café sẽ bắt đầu mua các bộ xét nghiệm nhanh giá rẻ để có thể hoạt động trở lại.

Xét nghiệm nhanh còn có thể giúp mở rộng và bổ sung cho chiến lược xét nghiệm phổ quát vốn đã được xúc tiến ở địa phương (chẳng hạn như hoạt động xét nghiệm bắt buộc miễn phí tại MIT và Đại học George Town ở Mỹ, xét nghiệm hàng tuần với các lao động tại những nơi làm việc ở Đức hay chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn ở Vũ Hán), vốn vẫn đang phụ thuộc vào phương pháp xét nghiệm PCR.

Những chiến lược tương tự cũng cần được triển khai ở cấp quốc gia, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi khả năng chi trả và quy mô xét nghiệm vẫn thấp.

Nhiều quốc gia đã có năng lực cung cấp đầy đủ các bộ xét nghiệm với một mức giá không là gì so với những thiệt hại mà đại dịch gây ra. Số lượng các ca xét nghiệm cần thiết trên toàn cầu trong một năm để cung cấp cho chiến dịch xét nghiệm hàng tuần có thể sẽ bằng gần một nửa số lon soda được tiêu thụ mỗi năm trên thế giới.

Thêm vào đó, sự gia tăng quy mô sản xuất các bộ xét nghiệm kháng thể có thể được thực hiện một cách tương đối nhanh chóng và nỗ lực này cũng chẳng là gì so với sự huy động của Mỹ cho Chiến tranh Thế giới II.

Mặc dù hàng tỷ USD đang được đổ vào việc phát triển và sản xuất vắcxin, song cần đầu tư thêm vào việc củng cố cơ sở hạ tầng xét nghiệm. Sự đầu tư này chẳng là gì so với cái giá của những mạng người hay những lợi ích tiềm năng về kinh tế đạt được từ việc sản xuất các bộ xét nghiệm quy mô lớn.

Dĩ nhiên, ngoài vấn đề sản xuất, cũng có những thách thức tiềm tàng: dù việc xét nghiệm phổ quát là thực tế, song bất cứ nỗ lực nào cũng đều phải chịu sức ép nếu như các chính phủ tin rằng họ phải lựa chọn giữa những nhu cầu sản xuất vắcxin, thuốc chống lây nhiễm, trang thiết bị bảo hộ cá nhân và việc mở rộng các cơ sở hạ tầng y tế.

Tuy nhiên, xét nghiệm phổ quát không nên bị coi là một yếu tố tách biệt trong một danh sách lớn các ưu tiên. Năng lực xét nghiệm nên được tích hợp với các hệ thống y tế quốc gia và địa phương như một phần trong một chương trình lớn hơn, từ đó mỗi giai đoạn trong chiến lược này đều có thể bổ trợ lẫn nhau.

Xét một cách tổng quát hơn, COVID-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ sinh thái công nghiệp dẻo dai và phản ứng nhanh với khả năng tăng cường sản xuất các thiết bị thiết yếu một cách nhanh chóng.

Ngay cả trong những điều kiện hiện nay, viêc tăng cường sản xuất các bộ xét nghiệm và áp dụng một chiến lược xét nghiệm phổ quát vẫn khả thi, và có thể chấm dứt đại dịch vào cuối năm nay, song song với việc thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết để ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai.

Tất cả các quốc gia cần phải áp dụng một tầm nhìn dài hạn hơn và củng cố năng lực sản xuất của mình. Bằng cách dẫn dắt vấn đề này, các chính phủ có thể tăng cường năng lực sản xuất ở địa phương và tạo ra một hình thức làm kinh tế mới.

Cách tiếp cận có định hướng này tiếp đó cũng có thể áp dụng trong chính sách khoa học và chiến lược công nghiệp, đặt nền tảng cho những đổi mới liên lĩnh vực và hình mẫu chế tạo dẻo dai vốn sẽ rất cần thiết trong việc xử lý những thách thức toàn cầu phức tạp khác. Đã qua rồi thời đại chúng ta phải đặt toàn bộ hy vọng của mình chỉ vào lĩnh vực công nghệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục