Tại Hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng," các chuyên gia đã nêu ra những nguy cơ lớn có thể gây hại và các biện pháp bảo vệ cho trẻ em trên không gian mạng.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024, với sự tham gia đồng hành của World Vision International tại Việt Nam, ChildFund Việt Nam, Trung tâm An toàn thông tin VNPT, Tổ chức Cứu trợ trẻ em và Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD).
Nhiều rủi ro cho trẻ em trên không gian mạng
Tại hội thảo, ông Đặng Vũ Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Nguyên Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ chia sẻ: Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, IoT… đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong học tập, làm việc và giải trí. Tuy nhiên, song hành với những lợi ích to lớn là những thách thức ngày càng gia tăng, đặc biệt về an toàn thông tin, quyền riêng tư và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Theo ông, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi chưa đủ kỹ năng để nhận diện và phòng tránh rủi ro trên mạng. Đây không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam mà là thách thức toàn cầu.
Theo bà Phan Thị Kim Liên - Quản lý Chương trình bảo vệ trẻ em của World Vision Việt Nam, cứ 10 trẻ em Việt Nam thì có 9 em sử dụng Internet và các em dùng nó hàng ngày. Môi trường số đã hiện hữu trong mọi mặt đời sống của tất cả mọi người và điều này đưa đến nhiều cơ hội cũng như không ít rủi ro cho sự phát triển của trẻ.
Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Như Hoa - Trưởng phòng Kiểm định an toàn thông tin - Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) cũng nhận định sự gia tăng số trẻ sử dụng Internet đang đưa đến nhiều mối nguy hại, đồng thời chỉ ra 5 mối nguy hại điển hình từ Internet có thể tác động tiêu cực đến các em.
Cụ thể, các em có thể bị tiếp cận những nguồn thông tin không phù hợp như truy cập web đen có nội dung xấu, bị bạo lực mạng.
"Nếu không được phát hiện sớm, những thông tin này sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý, sức khỏe thể chất và hành vi của trẻ," bà Hoa chia sẻ.
Việc nhiều phụ huynh vô tình chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ trên mạng xã hội cũng là một trong những mối nguy lớn khiến cho thông tin riêng tư của trẻ bị phát tán, rò rỉ và có thể đưa đến tác động tiêu cực cho các em.
Lần đầu tiên có Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng
Một mối nguy, rủi ro khác từ việc trẻ sử dụng Internet quá nhiều là các em bị nghiện game, mạng xã hội và nghiện Internet.
Số liệu của WHO cho thấy, khoảng 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích chơi game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%.
Song song đó, theo bà Hoa, 2 mối nguy hại lớn khác với trẻ em đến từ Internet là bắt nạt trực tuyến và lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, ép tham gia các hoạt động phi pháp.
Trẻ tự bảo vệ mình cách nào?
Các chuyên gia cho rằng việc nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình của con trẻ trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng.
Phó Chủ tịch VNISA Đặng Vũ Sơn cho rằng Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đến năm 2025 đã huy động được sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai, vẫn còn những hạn chế trong việc kết nối và phối hợp giữa các bên liên quan.
Khẳng định VNISA cam kết sẽ đồng hành cùng cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp để hiện thực hóa các sáng kiến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ông Đặng Vũ Sơn nhấn mạnh: “Sự kết nối và hợp tác là chìa khóa để giải quyết các thách thức và mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng."
Thông tin về một số hoạt động nổi bật của Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, ông Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: “Được ban hành tháng 6/2024, tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03 VNISA sẽ góp phần phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đây cũng là tiền đề thúc đẩy sự tham gia của các bên cũng như đông đảo người dùng vào công tác bảo vệ trẻ em trên mạng."
Bà Phan Thị Kim Liên cho rằng trên Internet trẻ em là người dùng, đồng thời cũng người tạo ra nội dung. Trẻ em có thể là người bị hại và cũng có thể là đối tượng gây hại, là đối tác của các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để các em nhận thức được những ảnh hưởng xấu trên mạng và có những hành động tự bảo vệ bản thân trên mạng.
Trong nỗ lực xây dựng môi trường mạng an toàn, hiệu quả cho trẻ em, World Vision International tại Việt Nam luôn tập trung vào phương pháp tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm.
World Vision đặc biệt chú trọng chương trình giáo dục kỹ năng số toàn diện để trẻ em có thể vừa biết cách tự bảo vệ mình, vừa có thể sử dụng Internet sáng tạo, cũng như ý thức vai trò chủ động của mình trong việc xây dựng môi trường Internet an toàn, hiệu quả. World Vision cũng hỗ trợ các sáng kiến do chính trẻ em khởi xướng, thúc đẩy sự tham gia của các em đóng góp vào các giải pháp về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Bà Liên cũng kiến nghị các đơn vị, tổ chức cần tăng cường phối hợp nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò, trách nhiệm của trẻ em khi để các em tương tác trên mạng xã hội; chung tay xây dựng văn hóa sử dụng mạng lành mạnh, thúc đẩy văn hóa, hình thành thói quen dùng mạng văn minh cho trẻ em.
Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thay đổi rất nhanh, bà Kim Liên cho biết những đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em cần nghiên cứu, trải nghiệm các hành vi, thói quen của trẻ để có những phát hiện sớm, kịp thời hỗ trợ khi các em gặp các vấn đề trên mạng.
Bà Đinh Thị Như Hoa thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Theo bà, việc phối hợp này là rất cần thiết và được Chính phủ đặc biệt quan tâm, thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Các Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật Trẻ em (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Luật An ninh mạng (2018) đều có quy định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Trong Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025" có đề cập tới 5 nhóm trụ cột chính để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Bà Đinh Thị Như Hoa cho biết trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đặc biệt hướng tới đối tượng trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và các cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em; triển khai các hoạt động thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và triển khai Hệ thống hỗ trợ ngăn chặn, đánh giá dữ liệu độc hại với trẻ em./.