Sau 4 ngày xét xử và nghị án, chiều 14/3, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với vụ án thất thoát xảy ra tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec).
Theo đó, Tòa tuyên phạt Nguyễn Thanh Xuân (nguyên Quyền Giám đốc) 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” 1 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” tổng hợp hình phạt là 5 năm tù.
Các bị cáo Võ Huệ Trân (Nguyên Giám đốc) lĩnh 3 năm tù, Ngô Ngọc Sơn (Phó Phòng xuất nhập khẩu) lĩnh 2 năm 5 tháng 3 ngày tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Riêng bị cáo Đặng Hữu Thịnh (Trưởng Phòng xuất nhập khẩu) 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội danh trên.
Theo cáo trạng, Công ty Cofidec chuyên kinh doanh chế biến nông lâm hải sản, súc sản, dịch vụ ủy thác nhập khẩu, thu mua hải sản, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, nhập khẩu máy móc thiết bị vật tư, nguyên nhiên liệu, hàng hoá khác phục vụ sản xuất và kinh doanh của đơn vị, do Trân làm Giám đốc.
Từ tháng 2/2004, Xuân biết rõ các nhà nhập khẩu Mỹ ngưng mua hàng tôm của Việt Nam do vụ kiện chống phá giá tôm nên việc xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Xuân, Trân mặc dù biết rõ không được phép xuất khẩu với hình thức ký gửi, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hợp đồng mua bán giả với đối tác nước ngoài để mở các tờ khai hải quan đưa một số lượng lớn tôm đông lạnh sang Mỹ tiêu thụ, gây thiệt hại cho Công ty Cofidec 2,4 triệu USD, tương đương 38,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quá trình điều hành hoạt động của Công ty Cofidec, Xuân đã lợi dụng chức vụ là quyền Giám đốc Công ty Cofidec, thanh toán phần chi phí đi lại cho chuyên gia lắp máy, thuê cẩu máy trong khi hợp đồng ủy thác nhập khẩu máy không quy định, gây thất thoát cho Công ty Cofidec số tiền 73 triệu đồng.
Còn Thịnh và Sơn biết rõ việc xuất hàng ký gửi là không được phép, không hề có quan hệ bàn bạc trao đổi với khách hàng nước ngoài về việc mua bán tôm đông lạnh, nhưng đã lập hợp đồng giả, ký giả chữ ký mạo danh khách hàng nước ngoài trên hợp đồng để Trân ký, thực hiện xuất hàng với danh nghĩa mua đứt bán đoạn.
Quá trình điều tra xác định 84 hợp đồng kinh tế bán tôm cho các công ty nước ngoài gồm Công ty Ocean Reserve, Công ty KTT Enterprise, Công ty Pacific King là hợp đồng vô hiệu vì không bảo đảm tư cách pháp lý chủ thể của hợp đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chứng minh toàn bộ chữ ký giám đốc các công ty nước ngoài mua tôm đông lạnh của Công ty Cofidec là do Sơn ký và có sự chỉ đạo của Xuân, Trân, Thịnh nhằm mục đích đưa hàng ra nước ngoài tiêu thụ./.