Vụ việc 3 trẻ tử vong tại Cao Bằng trong thời gian gần đây có không ít người dân đồn đoán, truyền tai nhau rằng do ăn quả vải gây ra.
[Cao Bằng: 3 cháu bé tử vong do viêm não chưa rõ nguyên nhân]
Ngộ độc thiên về virus
Trước thông tin trên, thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: "Trước hết tôi khẳng định, trong hoàn cảnh hiện nay tại Việt Nam, vải là một loại thực phẩm lành và an toàn, bao đời nay chúng ta vẫn sử dụng loại quả này.”
Bác sỹ Nguyên nhấn mạnh, thông tin về ngộ độc trực tiếp do ăn vải hiện nay còn ít và ở Việt Nam không đủ bằng chứng để kết luận.
Về sự việc 3 cháu bé tử vong tại Cao Bằng, bác sỹ Nguyên phân tích: "Có rất nhiều nguyên nhân trà trộn, bao hàm rất nhiều vấn đề. Như bệnh truyền nhiễm, ngộ độc. Trong ngộ độc lại có các nguyên nhân hóa chất bên ngoài đến các chất như chúng ta đang bàn tới. Bệnh nhiễm trùng gồm các loại vi khuẩn, virus thông thường từ môi trường bên ngoài. Ở Việt Nam chưa có bằng chứng cụ thể về những chất độc do ăn vải (phần thịt vải)."
Việt Nam từng có xảy ra những trường hợp bị bệnh nghi ngờ do quả vải nhưng chưa có bằng chứng về ngộ độc mà thiên về virus nhiều hơn,” bác sỹ Nguyên phân tích.
"Tôi xin khẳng định, về quả vải, tất cả mọi người ăn bình thường và không sao cả. Hầu hết trẻ em ăn đều ổn và chúng ta không phải lo ngại gì cả," bác sỹ Nguyên nhấn mạnh.
Về việc thời gian qua, có một số người dẫn chứng về một số chất trong quả vải, cụ thể là chất hypoglycin A và methylenecyclopropylglycin (MCPG) trong trái vải làm đường huyết hạ có thể gây hại cho sức khỏe, bác sỹ Nguyên cho hay: ở nước ngoài hiện nay người ta có nói một số thông tin liên quan, và vấn đề được đề cập với các cây khác cũng thuộc họ bồ hòn (Sapindaceae) như nhãn, chôm chôm.
Đáng chú ý, có nghiên cứu do tiến sỹ. Shrivastava và các đồng nghiệp thực hiện tại Muzaffarpur (Ấn Độ), công bố trên tờ Lancet năm 2017. Nghiên cứu gợi ý tình trạng bệnh xảy ra ở trẻ ẹm ăn quá nhiều vải và bỏ bữa ăn tối trước đó.
Đây là nghiên cứu tốt nhưng còn nhiều điểm phải bàn. Các tài liệu khác cũng ghi nhận vấn đề chỉ xảy ra ở trẻ em. Như chúng ta biết là trẻ em là đối tượng luôn dễ bị hạ đường máu trong nhiều tình trạng bệnh tật khác nhau. Hạ đường máu có thể dẫn tới hôn mê, co giật nếu không được phát hiện xử trí sớm.
Các thông tin trên dựa trên các nghiên cứu từ nước ngoài và bản thân với các nước đó vẫn cần phải nghiên cứu tiếp.
"Tôi nghĩ chúng ta cần có thêm những nghiên cứu, khảo sát trong điều kiện cây cỏ và con người của Việt Nam, có sự tham gia của các ngành sinh học, nông nghiệp, khoa học và công nghệ và y tế để có cái nhìn chính xác và toàn diện nhất. Một là để có thông tin cụ thể, toàn diện bao gồm thành phần các chất trong quả, về dinh dưỡng, về các chất có hoạt tính sinh học, của từng giống vải thiều khác nhau trên cả nước, giúp đưa ra khuyến cáo lựa chọn trồng với người dân trong các điều kiện tối ưu. Hai là có bằng chứng y sinh học cụ thể ở Việt Nam để khuyến cáo phù hợp," bác sỹ Nguyên cho hay.
Đảm bảo cho trẻ ăn đủ bữa
Bác sỹ Nguyên chỉ rõ, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, với đối tượng là người trưởng thành thì có thể yên tâm tiêu thụ vải bình thường. Với trẻ em thì dù có ăn vải thiều hay không ăn vải thiều, thì một nguyên tắc luôn đúng với các cha mẹ là không được bỏ quên trẻ em, luôn đảm bảo các trẻ được ăn đủ các bữa.
Các trẻ em có thể trạng gầy yếu, đang bị ốm, ăn kém thì càng đặc biệt phải chăm sóc, theo dõi cẩn thận. Nếu trẻ bỏ bữa ăn và có mệt, ăn kém, vã mồ hôi, run chân tay và có biểu hiện hành vi bất thường thì nhanh chóng cho trẻ uống nước đường. Bất cứ khi nào các trẻ có biểu hiện bất thường thì phải đưa tới cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
Bác sỹ Nguyên phân tích, về các cơ sở y tế, xét nghiệm đường máu là một xét nghiệm cơ bản trong cấp cứu bệnh nhân, kể cả trong khám bệnh thường quy. Cấp cứu hạ đường máu cũng là một cấp cứu cơ bản với các bác sỹ (truyền đường glucose) nên các bệnh nhân sẽ được cấp cứu nhanh chóng. Khi các cháu có bị hạ đường máu do bất kể nguyên nhân gì nếu được uống đủ nước có đường ở nhà hoặc đưa tới viện kịp thời thì ít khả năng dẫn tới tử vong hoặc di chứng tổn thương não./.