Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức giải ngân vốn đầu tư công chậm

Giải ngân vốn đầu tư công “ì ạch,” đây là tình trạng ở ba Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Giải ngân vốn đầu tư công “ì ạch,” đây là tình trạng ở ba Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Sáng 24/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã họp đốc thúc các bộ này đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Hai dự án bệnh viện tuyến cuối, điển hình yếu kém trong đầu tư công

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng, từ đầu năm đến ngày 20/5, Bộ giải ngân được 232,811 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch năm (trong nước đạt 37%, ODA đạt 10%). Tổng hợp chung các nguồn vốn đến thời điểm này đã thực hiện và giải ngân đạt 3.171,7 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch được giao.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cho biết bốn tháng đầu năm, Bộ giải ngân đạt 15,1% vốn kế hoạch năm 2018. Vốn kéo dài thuộc kế hoạch năm 2017 sang 2018 chưa giải ngân được. Bộ cam kết cuối năm giải ngân hết 310 tỷ đồng vốn trung hạn được giao của năm 2018.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy năm 2016, Bộ này giải ngân đạt 81% vốn kế hoạch, năm 2017 là 54,7%. Tuy nhiên, gần năm tháng đầu năm 2018, Bộ Y tế mới giải ngân được 233,278/5.260 tỷ đồng, đạt 4,43% dự toán. Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt 20,3%, vốn đối ứng ngân sách nhà nước đạt 3%, vốn nước ngoài đạt 4,3% và vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 0,063%.

[Cần công khai tình hình, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công]

Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tiến độ giải ngân được Bộ này giải thích là do việc triển khai giải ngân vốn của Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Dự án cơ sở 2 Bệnh viện hữu nghị Việt Đức thuộc Đề án 125.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết kế hoạch tiến độ của các dự án theo Đề án 125 đặt ra 2-3 năm là quá ngắn, rất khó thực hiện và không thể hoàn thành trong ba năm được vì thực tế thời gian triển khai các dự án xây dựng bệnh viện lớn, hiện đại từ lúc chuẩn bị đầu tư, khởi công và hoàn thành thường 5-7 năm.

Thời gian đặt ra cho công tác thiết kế cũng quá ngắn (6 tháng), không đủ thời gian hoàn thành nên phải kéo dài thời gian. Đây là các dự án bệnh viện quy mô lớn, hiện đại, tính chất kỹ thuật phức tạp, khối lượng hồ sơ thiết kế rất nhiều.

Tới nay, tiến độ đầu tư xây dựng đã chậm 18 tháng và Bộ Y tế đã xin Thủ tướng kéo dài dự án tới hết năm 2019 sẽ hoàn thành thanh quyết toán. Quý 3 này sẽ đấu thầu trang thiết bị... Bộ Y tế xin nhận trách nhiệm về chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nói.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là một trong những điển hình yếu kém trong đầu tư công. Mặc dù rất bức thiết, bệnh viện quá tải, người bệnh khổ sở, Nhà nước tập trung toàn lực vào đây, không thiếu tiền, nhưng dự án giải ngân rất thấp, một số cơ sở không thi công.

Chính phủ, Thủ tướng, Quốc hội quyết định 20.000 tỷ đồng cho năm dự án bệnh viện tuyến Trung ương để giải quyết tình trạng ách tắc, quá tải tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Việc này phải đưa ra xin ý kiến Trung ương, quyết định đầu tư từ năm 2014-2015 nhưng đến giờ vẫn ì ạch. Tình hình này rất đáng quan ngại, làm lãng phí lớn nguồn lực của Nhà nước, không đáp ứng kịp thời những nhu cầu thiết thực trong công tác khám chữa bệnh, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Đề án 125 của Bộ Y tế chậm tiến độ có phần nguyên nhân là do Bộ này đã chuyển từ tổng thầu EPC sang các gói thầu và đấu thầu lựa chọn nhà thầu cho từng gói, đồng thời lại chậm triển khai dự toán công trình.

Theo đại diện Kho bạc Nhà nước, pháp luật quy định phải có dự toán mới được giải ngân. Theo các quyết định ban đầu, Đề án 125 thực hiện theo hình thức EPC nên khi chưa được duyệt dự toán chưa giải ngân được. Để tháo gỡ khó khăn, Nghị định số 37 của Chính phủ về hợp đồng khi chưa có dự toán sẽ được tạm ứng 50% kế hoạch vốn cho khối lượng công việc đã hoàn thành. Kho bạc Nhà nước đề nghị Bộ Y tế và chủ đầu tư phải nhanh chóng hoàn thành dự toán đã được phê duyệt.

Một thực tế được đại diện Kho bạc Nhà nước đưa ra là Dự án cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai mới giải ngân được 1.066 tỷ đồng và Dự án cơ sở 2 bệnh viện Việt Đức giải ngân được 1.095 tỷ đồng (thấp hơn nhiều số liệu của Bộ Y tế). Trong năm 2018, Kho bạc đã thu hồi 1.000 tỷ đồng vốn tạm ứng trước đó cho hai dự án bệnh viện này.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết: “Nguồn vốn 3.200 tỷ đồng đã giao cho hai dự án bệnh viện. Đất đai cho hai dự án này cũng là đất “sạch”. Việc triển khai dự án là trách nhiệm của Bộ Y tế.”

Ngoài hai dự án bệnh viện trên, Bộ Y tế còn tám dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ trong đó có ba dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư là Bệnh viện Nhi cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K. Với ba dự án sử dụng ODA nói trên chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ sẽ cố gắng trong năm nay phê duyệt chủ trương đầu tư sau khi thống nhất xong với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết nếu tới 31/10 mà Bộ Y tế chưa phê duyệt xong chủ trương đầu tư cho ba dự án trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị Thủ tướng cắt vốn kế hoạch để thực hiện ba dự án này để điều chuyển sang các dự án khác.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có ba dự án sử dụng vốn ODA, Dự án nâng cấp Đại học Cần Thơ có khả năng không khởi công được trong năm 2018, Dự án hỗ trợ đổi mới phổ thông mới bắt đầu tư vấn lựa chọn nhà thầu, Dự án nâng cao năng lực đào tạo khám chữa bệnh tại Đại học Y dược - Đại học Huế vướng vì thủ tục kéo dài từ phía nhà tài trợ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ này là dự án chậm giải ngân sẽ cắt vốn chứ không thực hiện kéo dài dự án như quy định của Luật Đầu tư công.

“Kéo dài không chỉ dẫn đến tăng chuyển nguồn mà còn dẫn đến thay đổi khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ, nghĩa là kỷ luật điều hành ngân sách có vấn đề,” ông Hải nói.

Lãng phí lớn

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ba Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa-Thể thao và Du lịch được bố trí khoảng 44.000 tỷ đồng, trong đó Bộ Y tế là lớn nhất, gần 32.000 tỷ đồng. Chỉ riêng Bộ Y tế được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ 6.250 tỷ đồng cho tám dự án bệnh viện. Tỷ lệ giải ngân của ba Bộ trong năm 2018 thấp hơn nhiều mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài của ba bộ là rất thấp.

“Lãng phí ở đó chứ ở đâu, ICOR khu vực công giảm thấp là ở chỗ này,” Phó Thủ tướng phàn nàn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ nêu rõ nguyên nhân trong tổ chức thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng? Chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ hay là của Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực trong tổ chức thực hiện, thanh tra, giám sát dự án; cam kết giải pháp thực hiện, không phải họp xong để đấy.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng các Bộ, nhất là Y tế, Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức kiểm điểm, xác định nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan thuộc về các bộ, trách nhiệm của Bộ trưởng và người đứng đầu các cấp, trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc giao vốn, giải ngân vốn đầu tư chậm, làm lãng phí nguồn lực đầu tư công của Nhà nước, giảm hiệu quả đầu tư công, không đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển về y tế, giáo dục, văn hóa.

Ban cán sự Đảng các bộ, lãnh đạo Bộ họp, tập trung đánh giá, đề ra giải pháp căn cơ, cụ thể, có chỉ đạo quyết liệt, đi kèm với cơ chế thanh tra, kiểm tra nội bộ, giám sát, đánh giá kết quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong phạm vi bộ được giao.

Về một số dự án trọng điểm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, với năm dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã được phê duyệt kế hoạch đầu tư phải sớm hoàn thiện đấu thầu chọn nhà thầu để triển khai ngay trong quý 2/2018, không được chậm hơn.

Đối với ba dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Đến 31/12 không phê duyệt được phải báo cáo Chính phủ hủy, thu hồi vốn về ngân sách Trung ương. “Không thể nhân nhượng mãi được, lúc xin tiền cố gắng xin cho bằng được, lúc làm không chịu làm. Chúng tôi cũng nhận trách nhiệm chưa quyết liệt trách nhiệm này,” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn.

Với hai dự án bệnh viện tuyến cuối trong Đề án 125, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo tiến độ triển khai, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm các cá nhân đơn vị trong việc chậm tiến độ, các khó khăn vướng mắc trong thực hiện và đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn theo tinh thần công văn số 4317 ngày 10/5/2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ Xây dựng, Tài chính kiểm tra, rà soát hai dự án này với các báo cáo độc lập.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp quyết liệt hơn đối với hai dự án sử dụng ngân sách Trung ương và ba dự án ODA có khả năng cao không hoàn thành kế hoạch, nhất là dự án trường Đại học Cần Thơ.

Các dự án ODA của Bộ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang gặp vướng mắc về chi thường xuyên và chi đầu tư, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ động xem xét, giải quyết theo tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục