Làm rõ thêm giả thiết thành Đại La ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Theo báo cáo sơ bộ khai quật thăm dò khu vực Chính điện Kính Thiên, công bố ngày 7/4, các nhà khoa học đã làm rõ thêm giả thiết thành Đại La tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Phát hiện nhiều hiện vật độc đáo, trong đó có mảnh mào đầu rồng lớn, đất nung thời Lý. (Nguồn: TTXVN phát)
Phát hiện nhiều hiện vật độc đáo, trong đó có mảnh mào đầu rồng lớn, đất nung thời Lý. (Nguồn: TTXVN phát)

Theo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực Chính điện Kính Thiên thuộc Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) gần đây nhất do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Viện Khảo cổ học công bố ngày 7/4, các nhà khoa học đã làm rõ thêm giả thiết thành Đại La tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh đó, cuộc khai quật thăm dò cũng lộ diện nhiều dấu tích của kiến trúc các thời Đinh-Tiền Lê, thời Lý, thời Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng.

Nhiều dấu tích quý

Hoàng Thành Thăng Long một khu di tích rộng lớn, phong phú và phức tạp. Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã từng bước nhận diện kiến trúc của di tích này và kết quả khai quật thăm dò mới đây nhất do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện đã lộ diện nhiều dấu tích quý. Khu vực khai quật là phía Đông Bắc nền Điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 990m2.

Đặc biệt, việc phát hiện cống nước gạch kiên cố thời Đại La đã chứng minh cho giả thiết khu vực trung tâm của thành Đại La vẫn ở khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Nhận định này được coi là quan trọng, giúp các nhà khoa học tìm hiểu quy mô thành Đại La, tạo cơ sở để tìm hiểu quy mô thành Thăng Long thời Lý.

Trong quá trình khai quật, các nhà khoa học phát hiện các kiến trúc thời Đinh-Tiền Lê, thời Lý, thời Trần tiếp tục phân bố ở khu vực sau nền điện Kính Thiên. Điều đó chứng tỏ tính chất trung tâm khá đồng đều trên toàn bộ các vị trí đã khai quật tại khu vực trung tâm và cũng là tương đồng với toàn bộ khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Vườn Hồng.

[Phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc các triều đại tại Hoàng thành]

Về thời Lý, phát hiện di vật tượng rồng đất nung kích thước rất lớn (có phần lớn hơn tượng rồng ở khu 18 Hoàng Diệu) cho thấy có thể có kiến trúc có quy mô lớn, quan trọng thời Lý ở đây. Ở thời Trần, các dấu tích kiến trúc ở đây có quy mô nhỏ. Hiện tượng dấu vết cháy rất nhiều (than tro) gợi đến việc sử sách chép về các cuộc chiến tranh vào cuối thời Trần thế kỷ XIV khiến cho kinh thành bị cháy nhiều lần thành tro bụi.

Về thời Lê Sơ và thời Lê Trung Hưng, các dấu tích đã xuất lộ nhiều gợi lên nhiều giả thiết mới. Thời Lê Sơ có 2 dấu tích bó nền, 1 dấu tích kiến trúc có móng cột. Kiến trúc có móng cột chạy theo hướng Bắc Nam có thể là kiến trúc kiểu hành lang tương tự dấu tích của kiến trúc hành lang ở phía Tây Đoan Môn đã phát hiện năm 2013-2014. Điều này gợi ý về không gian kiến trúc chính Điện Kính Thiên thời Lê Sơ ở phía sau nền Điện Kính Thiên có phần thu hẹp lại hơn so với phần phía trước.

Thời Lê Trung Hưng hình thành tổ hợp kiến trúc có móng cột lớn phía Tây và kiến trúc sân vườn phía Đông. Kiến trúc có móng cột có khả năng là kiến trúc 5 gian 2 chái nằm trên trục Ngự đạo thẳng tới Đoan Môn-Kính Thiên. Rất có khả năng đây là kiến trúc “cổng” của một khu cung điện khác trong khu vực Trung tâm. Theo thư tịch cổ và bản đồ cổ thì sau khu chính điện Kính Thiên là khu điện Cần Chánh. Nếu đúng là kiến trúc cổng thì đây là di tích đánh dấu sự bắt đầu của khu vực kiến trúc quan trọng thứ hai trên trục trung tâm: Đó là khu vực điện Cần Chánh, nơi làm việc của Hoàng đế và triều đình Lê Trung Hưng.

Tiếp tục khai quật trục trung tâm Đoan Môn-Kính Thiên-Hậu Lâu-Bắc Môn

Theo giáo sư, tiến sỹ Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, kết quả khai quật đã góp phần khẳng định khu vực Thành cổ Hà Nội và khu 18 Hoàng Diệu là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long - Trung tâm quyền lực phát triển liên tục hơn 1000 năm lịch sử.

Giáo sư, tiến sỹ Lưu Trần Tiêu đề xuất, năm 2020 và các năm sau tập trung khai quật trục trung tâm Đoan Môn-Kính Thiên-Hậu Lâu-Bắc Môn để có thêm tư liệu phục hồi không gian Điện Kính Thiên. Ông cũng cho rằng, "đường nước lớn" là một một phát hiện quan trọng và nổi bật nhất của khảo cổ học trước đó trong không gian Điện Kính Thiên. Ông Tiêu cũng đề nghị mở rộng toàn bộ các hố khai quật khảo cổ học để làm rõ được toàn bộ quy mô của công trình này, nhất là tìm ra được các góc của đường nước.

Làm rõ thêm giả thiết thành Đại La ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long ảnh 1Lần đầu tiên phát hiện cống thoát nước thời Đại La thế kỷ VII-IX tại khu vực khai quật. (Nguồn: TTXVN phát)

Còn phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá về địa tầng, do địa thế hố khai quật nên phản ánh được chiều sâu lịch sử của Thăng Long-Hà Nội, có niên đại kéo dài từ thời Tiền Thăng Long qua Lý, Trần, Lê Sơ đến Lê Trung Hưng, Nguyễn.

Ông Trần Đức Cường cũng kiến nghị tiếp tục khai quật khảo cổ học trong khu Hoàng thành Thăng Long để tiến tới phương án phục dựng không gian Điện Kính Thiên. Ông cũng kiến nghị mở một diện tích khai quật hạn chế ở khu vực trước sân Điện Kính Thiên song song với khai quật mở rộng toàn diện tích khai quật của hố 2019.

Khẳng định kết quả khai quật năm 2019 gợi ra hướng nghiên cứu lâu dài, thú vị và chắc chắn có giá trị lịch sử-văn hóa rất cao, giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô đề nghị tiếp tục nghiên cứu mở rộng hố khai quật từ Vách Nam 1 về phía Nam (theo hướng nền Điện Kính Thiên) có thể sẽ chạm đến vị trí của các gác Long Đồ, Điện Trường Xuân, Điện Thiên Khánh, cầu Phượng Hoàng đầu đời vua Lý Thái Tông. Từ Vách Tây nếu mở hố khai quật về phía Tây có thể chạm đến vị trí của hai Điện Long An và Nguyệt Minh cùng được xây dựng trong năm định đô Thăng Long.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, cuộc khai quật đã phát hiện nhiều di tích mới, gợi những nhận thức mới góp phần thúc đẩy thêm một bước quan trọng trong việc tìm hiểu diện mạo khu chính Điện Kính Thiên, qua đó tiếp tục làm tăng thêm giá trị của di sản thế giới trung tâm Hoàng Thành Thăng Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục