Làm rõ quy định kiểm toán, tránh ảnh hưởng đến thu hút đầu tư

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, chỉ kiểm toán khi phát sinh vấn đề, chẳng hạn trước khi thanh toán phải kiểm toán; nếu chưa có vấn đề gì mà đã kiểm toán hợp đồng thì cần xem xét lại.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 43, chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân

Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ quy định hoạt động kiểm toán trước khi ký kết hợp đồng, tránh ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư.

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 về việc Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP.

Một số ý kiến cho rằng, dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định, bản chất là dự án nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật. Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.

Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, theo khuyến nghị của Hiệp hội Kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, Kiểm toán Nhà nước chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công.

Nếu không quy định phù hợp sẽ dẫn tới trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, việc giải quyết tranh chấp rất phức tạp. Do đó, dự thảo Luật sẽ tiếp thu, sửa đổi bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước thực hiện ở hai giai đoạn.

[Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp]

Cụ thể, trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Sau khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động (kiểm toán theo đầu ra) để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án PPP trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có); hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Bên cạnh vai trò của Kiểm toán Nhà nước, dự thảo Luật cũng xác định vai trò của kiểm toán độc lập trong dự án PPP; quy định về hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, phản biện của Mặt trận tổ quốc, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Đây là những công cụ của Nhà nước nhằm kiểm soát, bảo đảm hiệu quả của dự án PPP.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần làm rõ việc kiểm toán quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công. Đây là quy định mới, phải xem xét có phù hợp với thông lệ quốc tế không. 

“Từ trước đến nay, cuối năm mới kiểm toán, giờ kiểm toán xong mới được ký hợp đồng. Đây là vấn đề phải giải thích và xem thực tiễn có thực thi được không?” Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu băn khoăn.

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, chỉ kiểm toán khi phát sinh vấn đề. Chẳng hạn trước khi thanh toán phải kiểm toán; nếu chưa có vấn đề gì mà đã kiểm toán hợp đồng thì cần xem xét lại. 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị làm rõ quy trình thủ tục giám sát cộng đồng, tránh ảnh hưởng đến việc kêu gọi thu hút đầu tư. Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật phải đưa ra những quy định phù hợp với thực tế, chứ không phải “đẻ” ra nhiều trình tự, thủ tục hồ sơ vượt quá năng lực, thẩm quyền. “Chúng ta đang kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư mà bao nhiêu thủ tục như vậy liệu có khả thi hay không? Chưa làm đã kiểm toán, làm xong lại kiểm toán lần 2 thì cần phải xem xét lại”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Quản lý rõ ràng thu, chi quỹ phòng chống thiên tai

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần thiết thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai trung ương và đề nghị quy định rõ nguồn tài chính của Quỹ để tránh trùng với nội dung Nghị định số 64/2008/NĐ-CP trong vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế; cần bổ sung quy định rõ nguồn thu, cơ chế sử dụng, việc điều chuyển Quỹ trong Luật để tránh trùng lặp; cần đánh giá hiệu quả của Quỹ này, làm rõ có phát sinh thêm bộ máy không… Ý kiến khác cho rằng, không nên thành lập Quỹ này vì nguồn huy động của quốc tế ngoài ngân sách là không lớn và đã có các tổ chức như Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ huy động, tiếp nhận.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành chỉ quy định về Quỹ Phòng chống thiên tai là quỹ hoạt động phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo xã hội, ngoài ngân sách Nhà nước để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai ở địa phương và chưa quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương.

Thực tiễn cho thấy, ở địa phương thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai lớn nhưng nguồn thu của Quỹ lại thấp. Một số địa phương lại có kết dư Quỹ lớn. Do vậy, cần có sự điều tiết giữa các Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Mặt khác, Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về thiên tai, lại là nước có một số nguồn lực từ một số Chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận, sử dụng. Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với việc cần có Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn lực quốc tế và điều tiết nguồn lực giữa các Quỹ trong nước cho công tác này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định rõ về nguồn tài chính của Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương (điểm a khoản 2 Điều 10); nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai để tránh chồng chéo, bảo đảm tính minh bạch. 

Một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi hiện nay ở Trung ương, các khoản viện trợ của các tổ chức quốc tế đều thông qua kênh Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do đó, việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương có chồng chéo hay không? Các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, rà soát căn cứ thành lập Quỹ trung ương với điều kiện không hình thành bộ máy mới, đảm bảo không trùng lắp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Trong điều kiện hiện nay, việc hình thành các Quỹ Phòng, chống thiên tai là cần thiết ở cả trung ương và địa phương. Tuy nhiên, hình thức quản lý, thu chi phải quy định rõ ràng trong dự thảo Luật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thu; đồng thời rà soát lại các quỹ của các tổ chức chính trị xã hội, đảm bảo thống nhất quản lý một đầu mối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục