Ngày 13/9, Trung tâm nghiên cứu Kinh thành (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế “Đánh giá kết quả nghiên cứu di tích khu A-B, khu Di tích Hoàng thành Thăng Long sau 6 năm nghiên cứu” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về lịch sử, khảo cổ học của Việt Nam và Nhật Bản.
Đây là tọa đàm chuyên sâu, tập trung thảo luận về kết quả nghiên cứu, đánh giá giá trị của các loại hình di tích kiến trúc ở khu A-B do Viện Khảo cổ học và Trung tâm nghiên cứu Kinh thành thực hiện từ năm 2008 đến năm 2013 trên các phương diện quy hoạch, kỹ thuật xây dựng, tính chất, niên đại, chức năng, hình thái kiến trúc.
Hoàng thành Thăng Long sau 6 năm nghiên cứu
Phát hiện khảo cổ học tại khu A-B cho thấy những minh chứng quan trọng của Cấm thành Thăng Long. Nhờ giá trị nổi bật toàn cầu mà Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành, cho biết: Những kết quả nghiên cứu sau 6 năm đã có những bước tiến dài trong nhận thức, đánh giá. Nhiều vấn đề còn mang tính giả thuyết hay suy đoán hoặc chưa được biết đến trong các giai đoạn nghiên cứu trước cơ bản đã được làm sáng rõ hơn.
Mặc dù những dáng vẻ huy hoàng của các kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long tuy không còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, nhưng phát hiện dưới lòng đất của khảo cổ học tại khu vực này là minh chứng thuyết phục rằng, các cung điện, lầu gác trong Hoàng thành Thăng Long vốn từng được xây dựng rất công phu, tráng lệ.
Một số lượng lớn các loại hình di vật như phù điêu, tượng tròn và ngói lợp mái trang trí rồng, phượng cho thấy kiến trúc Hoàng thành Thăng Long được thiết kế với sự phô bày vẻ đẹp rực rỡ, áp đảo bởi những đồ án trang trí mang tính vương quyền, nhằm thể hiện sự oai nghiêm, đường bệ của hoàng đế. Đây vừa là trung tâm hành chính của các vương triều, vừa là cung cấm của các hoàng đế nhà Lý, Trần, Lê kế tiếp nhau trị vì đất nước.
Giá trị nổi bật và tính độc đáo của khu A-B là có nhiều tầng văn hóa của nhiều thời kỳ chồng xếp, đan xen, tiếp nối nhau liên tục không đứt đoạn gồm các di tích kiến trúc thời Đại La, Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần, Lê và các dấu tích cảnh quan sông ngòi, ao, hồ…
Các di tích có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp, nhưng rất phong phú và hấp dẫn, phản ánh mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long. Bên cạnh đó, khu di tích này còn tìm được hàng triệu di vật khảo cổ, trong đó có nhiều đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á minh chứng rõ mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa của Thăng Long trong lịch sử.
Những vấn đề cần minh chứng rõ hơn
Giá trị của khu di tích đã được nhìn nhận tổng quát nhưng nhận thức sâu hơn, đầy đủ hơn về diện mạo, quy mô, tính chất, chức năng, niên đại ở từng khu và đánh giá sâu hơn về trình độ, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị, sắc thái độc đáo riêng biệt của kiến trúc cung điện, lầu gác trong Hoàng cung Thăng Long qua các thời kỳ, vẫn còn là những vấn đề lớn cần được minh chứng rõ ràng hơn.
Quần thể các dấu tích kiến trúc đã khai quật chỉ là một phần rất nhỏ trong khu trung tâm rộng lớn của Hoàng thành Thăng Long. Kết quả nghiên cứu về các loại hình kiến trúc khu A-B mới chỉ là cơ bản. Mối quan hệ về không gian và thời gian cũng như đánh giá về quy hoạch còn hạn chế. Đặc biệt, các nghiên cứu so sánh nhằm tiến tới nhận diện được hình thái, tính chất, chức năng, tên gọi của các công trình kiến trúc của khu di tích này là những vấn đề khó, cần phải đầu tư nghiên cứu lâu dài.
Giáo sư, tiến sĩ Kazuto Inoune, Đại học Meiji, Nhật Bản, nhấn mạnh về sự quan trọng của các thiết bị điều tra khảo cổ học trong việc điều tra phép đo lường xây dựng và phương hướng các cung điện của triều đại nhà Lý. Tiến sĩ Kazuto Inoune cho rằng, mặc dù khoảng cách giữa các tòa lục giác hơn 200m, nhưng cho thấy một thiết kế tổng thể thống nhất đáng ngạc nhiên và có hệ thống đã được phát triển. Phân tích di tích cung điện nhà Lý từ góc độ của các phép đo và quy hoạch xây dựng đã mở ra thực tế về trình độ thiết kế và kỹ thuật xây dựng cực kỳ cao đã từng tồn tại.
Nghiên cứu cách sử dụng ngói lợp mái thời Đại La, Tiến sĩ Koki Imai, Viện nghiên cứu Di sản văn hóa quốc gia Nara, Nhật Bản cho rằng, chưa thể có kết luận chắc chắn về việc có hay không cách sử dụng là như nhau cho các loại ngói ở Thăng Long. Nhiều loại ngói tương tự được tìm thấy ở các nơi khác như thời Liêu hay thời Bắc Tống và dường như được tạo ra muộn hơn thời Đại La. Tất cả các loại ngói khai quật được, cần khảo sát tổng thể để có được sự khẳng định toàn diện.
Kết quả của tọa đàm cũng sẽ giúp Trung tâm nghiên cứu Kinh thành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Hồ sơ khoa học về di tích khu A-B trước khi chính thức bàn giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để làm cơ sở quy hoạch, bảo tồn và phát huy, quảng bá giá trị khu di sản vào cuối năm 2013./.
Đây là tọa đàm chuyên sâu, tập trung thảo luận về kết quả nghiên cứu, đánh giá giá trị của các loại hình di tích kiến trúc ở khu A-B do Viện Khảo cổ học và Trung tâm nghiên cứu Kinh thành thực hiện từ năm 2008 đến năm 2013 trên các phương diện quy hoạch, kỹ thuật xây dựng, tính chất, niên đại, chức năng, hình thái kiến trúc.
Hoàng thành Thăng Long sau 6 năm nghiên cứu
Phát hiện khảo cổ học tại khu A-B cho thấy những minh chứng quan trọng của Cấm thành Thăng Long. Nhờ giá trị nổi bật toàn cầu mà Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành, cho biết: Những kết quả nghiên cứu sau 6 năm đã có những bước tiến dài trong nhận thức, đánh giá. Nhiều vấn đề còn mang tính giả thuyết hay suy đoán hoặc chưa được biết đến trong các giai đoạn nghiên cứu trước cơ bản đã được làm sáng rõ hơn.
Mặc dù những dáng vẻ huy hoàng của các kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long tuy không còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, nhưng phát hiện dưới lòng đất của khảo cổ học tại khu vực này là minh chứng thuyết phục rằng, các cung điện, lầu gác trong Hoàng thành Thăng Long vốn từng được xây dựng rất công phu, tráng lệ.
Một số lượng lớn các loại hình di vật như phù điêu, tượng tròn và ngói lợp mái trang trí rồng, phượng cho thấy kiến trúc Hoàng thành Thăng Long được thiết kế với sự phô bày vẻ đẹp rực rỡ, áp đảo bởi những đồ án trang trí mang tính vương quyền, nhằm thể hiện sự oai nghiêm, đường bệ của hoàng đế. Đây vừa là trung tâm hành chính của các vương triều, vừa là cung cấm của các hoàng đế nhà Lý, Trần, Lê kế tiếp nhau trị vì đất nước.
Giá trị nổi bật và tính độc đáo của khu A-B là có nhiều tầng văn hóa của nhiều thời kỳ chồng xếp, đan xen, tiếp nối nhau liên tục không đứt đoạn gồm các di tích kiến trúc thời Đại La, Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần, Lê và các dấu tích cảnh quan sông ngòi, ao, hồ…
Các di tích có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp, nhưng rất phong phú và hấp dẫn, phản ánh mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long. Bên cạnh đó, khu di tích này còn tìm được hàng triệu di vật khảo cổ, trong đó có nhiều đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á minh chứng rõ mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa của Thăng Long trong lịch sử.
Những vấn đề cần minh chứng rõ hơn
Giá trị của khu di tích đã được nhìn nhận tổng quát nhưng nhận thức sâu hơn, đầy đủ hơn về diện mạo, quy mô, tính chất, chức năng, niên đại ở từng khu và đánh giá sâu hơn về trình độ, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị, sắc thái độc đáo riêng biệt của kiến trúc cung điện, lầu gác trong Hoàng cung Thăng Long qua các thời kỳ, vẫn còn là những vấn đề lớn cần được minh chứng rõ ràng hơn.
Quần thể các dấu tích kiến trúc đã khai quật chỉ là một phần rất nhỏ trong khu trung tâm rộng lớn của Hoàng thành Thăng Long. Kết quả nghiên cứu về các loại hình kiến trúc khu A-B mới chỉ là cơ bản. Mối quan hệ về không gian và thời gian cũng như đánh giá về quy hoạch còn hạn chế. Đặc biệt, các nghiên cứu so sánh nhằm tiến tới nhận diện được hình thái, tính chất, chức năng, tên gọi của các công trình kiến trúc của khu di tích này là những vấn đề khó, cần phải đầu tư nghiên cứu lâu dài.
Giáo sư, tiến sĩ Kazuto Inoune, Đại học Meiji, Nhật Bản, nhấn mạnh về sự quan trọng của các thiết bị điều tra khảo cổ học trong việc điều tra phép đo lường xây dựng và phương hướng các cung điện của triều đại nhà Lý. Tiến sĩ Kazuto Inoune cho rằng, mặc dù khoảng cách giữa các tòa lục giác hơn 200m, nhưng cho thấy một thiết kế tổng thể thống nhất đáng ngạc nhiên và có hệ thống đã được phát triển. Phân tích di tích cung điện nhà Lý từ góc độ của các phép đo và quy hoạch xây dựng đã mở ra thực tế về trình độ thiết kế và kỹ thuật xây dựng cực kỳ cao đã từng tồn tại.
Nghiên cứu cách sử dụng ngói lợp mái thời Đại La, Tiến sĩ Koki Imai, Viện nghiên cứu Di sản văn hóa quốc gia Nara, Nhật Bản cho rằng, chưa thể có kết luận chắc chắn về việc có hay không cách sử dụng là như nhau cho các loại ngói ở Thăng Long. Nhiều loại ngói tương tự được tìm thấy ở các nơi khác như thời Liêu hay thời Bắc Tống và dường như được tạo ra muộn hơn thời Đại La. Tất cả các loại ngói khai quật được, cần khảo sát tổng thể để có được sự khẳng định toàn diện.
Kết quả của tọa đàm cũng sẽ giúp Trung tâm nghiên cứu Kinh thành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Hồ sơ khoa học về di tích khu A-B trước khi chính thức bàn giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để làm cơ sở quy hoạch, bảo tồn và phát huy, quảng bá giá trị khu di sản vào cuối năm 2013./.
(TTXVN)