Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 1/6, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại hội trường, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.
Đồng tình chủ trương tách dự án thành phần
Đồng tình với việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Dự án thành dự án thành phần để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm sớm triển khai Dự án, nhiều đại biểu cho rằng đây là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, đã có quy hoạch từ năm 2005, ảnh hưởng đến đời sống và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng dân cư địa phương.
Người dân sống trong vùng dự án không thể đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài, không được xây dựng nhà ở kiên cố, tách hộ… do quyền sử dụng đất bị hạn chế bởi quy hoạch; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không được đầu tư, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Việc sớm thực hiện hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án, không những sớm ổn định cuộc sống của người dân, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi, mà còn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, đồng thời tiết kiệm được kinh phí.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) lo ngại tách thành phần để làm trước việc đền bù cho dân có đúng quy định của pháp luật không, khi Chính phủ chưa có báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa có thông số kỹ thuật để quyết định đi đến đầu tư hay không; chưa có quyết định đầu tư đã triển khai giải phóng mặt bằng, nếu đến năm 2019 mới trình báo cáo khả thi thì lúc đó mọi thứ đều muộn.
Phản hồi ý kiến của đại biểu Phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm quốc gia.
Từ ngày Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư đến nay đã 2 năm nhưng chưa có báo cáo khả thi là chậm. Vì thế, phải tách thành phần ra làm trước để không ảnh hưởng đến tiến độ giai đoạn 1.
Khi lập báo cáo tiền khả thi, tiền bồi thường chỉ có 12.000 tỷ đồng, tới thời gian Quốc hội thông qua đã tăng lên 18.000 tỷ đồng và hiện nay là 23.000 tỷ đồng.
Đồng ý với đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chủ trương là thống nhất.
“Ở đây chúng ta phải phê bình việc chậm triển khai một quyết định đầu tư của Quốc hội, 2 năm rồi chưa có báo cáo khả thi…. Nghị quyết 94 của Quốc hội (về việc thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai) quá chặt chẽ. Nhưng không phải nghị quyết gây khó khăn, làm chậm chễ. Cũng vì Nghị quyết 94 mà chúng ta phải ngồi lại để ra nghị quyết này,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Tuy nhiên, không ít ý kiến còn băn khoăn về nguồn vốn thực hiện cũng như việc quản lý quỹ đất sạch, việc bảo đảm cuộc sống cho người dân nơi tái định cư.
Cần làm rõ các phương án huy động nguồn vốn
Nhiều đại biểu băn khoăn khi theo cơ sở số liệu, thông tin điều tra, khảo sát sơ bộ và cập nhật đơn giá mới nhất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án vào khoảng 23.000 tỷ đồng (trong đó có 5.030 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư).
Trong khi đó, Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 2 đã thông qua Nghị quyết số 26/2016/QH14 về Kế hoạch vốn trung hạn (giai đoạn 2016-2020), trong đó bố trí vốn cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ là 5.000 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tương ứng 21,7% yêu cầu.
Theo quan điểm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án là để thực hiện đồng bộ, hạn chế việc tăng chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau, tránh tình trạng lấn chiếm đất dự án, khiếu kiện liên quan đền bù đất đai; phần diện tích chưa sử dụng của dự án, giao Chính phủ có kế hoạch quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả, tránh tình trạng để đất hoang hóa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện, trong đó lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của dự án; rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016-2020.
[Bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành]
Với quy mô 5.000ha đất (bao gồm cả 1.050ha đất cho quốc phòng, 1.200ha đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và các công trình thương mại khác), trước mắt, để giải phóng mặt bằng một lần, cần sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện.
Từ quan điểm càng chậm triển khai, càng khó giải phóng mặt bằng, chi phí càng lớn, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng giải phóng một lần toàn bộ diện tích là nên làm, để tránh phức tạp phát sinh, bởi trên thực tế ảnh hưởng đến tiến độ nhiều nhất là do liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai báo cáo rõ hơn về các nguồn lực để thực hiện, làm rõ hơn việc huy động các nguồn lực từ đất đai để Quốc hội yên tâm và đại biểu có thể bấm nút thông qua.
Theo đại biểu Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai), nếu Quốc hội thông qua thì Chính phủ phải trình và lấy từ các nguồn dự phòng, bằng các nguồn khác như tái định cư, xã hội hóa bến bãi…
Chung quan điểm, đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ phải tính toán hết các nguồn, không để đến lúc đặt Quốc hội vào sự đã rồi vì thiếu vốn.
Chủ trương xây dựng sân bay Long Thành Quốc hội đã thông qua, Chính phủ phải có trách nhiệm làm báo cáo khả thi hết sức kỹ lưỡng, không thể đặt Quốc hội vào tình cảnh phải bấm nút thông qua cho kịp tiến độ.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị làm rõ cơ cấu vốn từng phần để huy động được nguồn lực thực hiện, làm rõ tính khả thi thông qua các tiêu chí về kinh tế tài chính, xã hội.
Cụ thể hơn, đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị làm rõ tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư, tính toán hiệu quả đầu tư của dự án.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, càng chậm thì càng khó khăn, giá càng lên, dân cũng không yên tâm để ổn định sản xuất vì chủ trương biết rồi, dẫn đến rất nhiều hệ lụy.
Kinh phí chưa đủ nhưng tiền đã có và có phương án. Trong quá trình quy hoạch làm sân bay, có tính đến khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn đầu tư sân bay và còn nguồn dự phòng đầu tư.
Làm rõ chính sách hỗ trợ đền bù
Rút kinh nghiệm từ những dự án quan trọng quốc gia đã được thực hiện, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm bảo đảm công tác tái định cư, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng chịu ảnh hưởng; bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ và bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; có chính sách, giải pháp chuyển đổi việc làm, đào tạo nghề cho người dân trong vùng thu hồi đất để có thể tham gia vào việc phục vụ trong quá trình khai thác Cảng hàng không quốc tế.
Các ý kiến đề nghị làm rõ chính sách hỗ trợ đền bù, tái định cư cho người dân trong vùng dự án.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ tiền, gạo là những chính sách trước mắt, cần đặc biệt lưu ý đến việc hỗ trợ đất sản xuất để người dân ổn định cuộc sống lâu dài, vấn đề này chưa được Dự án đề cập đến.
Theo tính toán, tổng số 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu, bị thu hồi đất.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý cần hạn chế tình trạng tính pháp lý khi thu hồi đất thiếu chặt chẽ ngay từ đầu; phương án đền bù, tái định cư để bảo vệ quyền lợi người dân bàn không kỹ, không khách quan, để xảy ra tình trạng giá ban đầu với giá chốt lại khi người dân đồng tình khác nhau, mất niềm tin của dân, tạo tiền lệ không hay là người dân luôn khiếu nại về giá chính sách.
Nhìn nhận một thực tế là không quan niệm tổ chức cuộc sống mới cho người dân, mà quan niệm thiên về hướng bồi thường, tái định cư cho người dân có chỗ ở mới, không tìm được kế sinh nhai, chỗ học tập cho con cái không có, đại biểu đề nghị phải làm sao để người dân khi ở nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.
Khi dự án được Quốc hội thông qua, cần giám sát chặt chẽ về phương án đền bù, tổ chức sản xuất cho người dân, không để phát sinh khiếu kiện phức tạp, những vấn đề an sinh xã hội mà thiệt thòi thuộc về người dân.
Cũng như vậy, các đại biểu Nguyễn Văn Hòa (Đồng Tháp), Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đề nghị trong khung chính sách Chính phủ đề xuất cần có nội dung hỗ trợ về đất sản xuất, xem xét khung pháp lý hỗ trợ về lâu dài./.