Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc giảm do giá cả biến động

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 9/3 cho biết chỉ số lạm phát tiêu dùng của nước này trong tháng ​Hai vừa qua giảm mạnh do giá cả biến động sau đợt Tết Nguyên đán vừa qua.
(Nguồn: Xinhua)

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 9/3 cho biết chỉ số lạm phát tiêu dùng của nước này trong tháng ​Hai vừa qua giảm mạnh do giá cả biến động sau đợt Tết Nguyên đán vừa qua, khiến ngân hàng trung ương khó khăn trong việc đưa ra chính sách tỷ giá lãi suất.

Chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI), thước đo chính của lạm phát, chỉ tăng 0,8% trong tháng Hai vừa qua, thấp hơn mức dự đoán 1,7% mà thị trường đưa ra trước đó cũng như so với mức tăng của tháng trước đó là 2,5%. Xét theo tháng, CPI tháng Hai vừa qua giảm 0,2%.

Theo NBS, chỉ số CPI yếu kém là do giá cả thực phẩm giảm mạnh với mức giảm 4,3% trong tháng Hai vừa qua.

Tháng Một năm nay, giá cả thực phẩm tăng 27% trong bối cảnh các hoạt động mua sắm trong dịp lễ hội đã đẩy giá cả lên cao.

NBS nêu rõ: "Vì mùa du lịch đã kết thúc, lượng du khách trong tháng Hai đã giảm, kéo theo giá các dịch vụ du lịch giảm. Phần nào nguyên nhân khiến CPI thấp hơn."

Ngược lại, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), chỉ số đánh giá giá cả hàng hóa tại các nhà máy sản xuất, trong tháng ​Hai vừa qua đã tăng 7,8%, cao hơn mức 6,9% của tháng trước đó.

PPI đã đạt mức cao kỷ lục kể từ tháng 9/2008, chủ yếu do các biện pháp của chính phủ đề ra nhằm giảm bớt công suất công nghiệp dư thừa.

Điều này làm dấy lên hy vọng rằng sự tăng giá tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng sẽ dẫn đến sự tăng giá ở các nền kinh tế khác.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 ở mức khoảng 6,5% so mới mục tiêu 6,5-7% của năm ngoái với mục đích duy trì CPI tăng khoảng 3%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục