Ngày 3/9, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (BoT) đánh đi tín hiệu sẽ có hành động chống lại "những nguy cơ đáng kể" đối với sự ổn định giá.
Đây được coi là một động thái hiếm thấy, nhằm ổn định các thị trường tài chính sau khi lạm phát vọt lên mức cao nhất trong gần 15 năm.
Theo kế hoạch, ngân hàng trung ương nước này sẽ nhóm họp vào ngày 13/9 tới.
Kể từ đầu năm tới nay, đồng lira đã mất 40% giá trị so với đồng USD, khiến giá hàng hóa tăng cao, đồng thời làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tác động đối với nền kinh tế.
Trong tháng Tám, tỷ lệ lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 17,9%, vượt xa dự kiến trước đó và là mức cao nhất kể từ cuối năm 2003. Trước tình hình này, BoT khẳng định sẽ có những bước đi cần thiết để hỗ trợ sự ổn định về giá.
[Cáo buộc Mỹ 'hành xử như sói hoang,' Thổ Nhĩ Kỳ nói không với đồng USD]
Câu hỏi được giới đầu tư đặt ra hiện nay là liệu BoT có tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát hay không. Tại cuộc họp tháng Bảy, ngân hàng này đã giữ nguyên lãi suất, sau khi tăng lãi suất repo một tuần thêm 1,25 điểm phần trăm lên 17,75% hồi tháng Sáu.
Cuối tháng Tám, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của 20 tổ chức tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ, trước nguy cơ nguồn ngân quỹ sa sút sau sự sụt giảm giá mạnh của đồng lira.
Trước đó, Standard & Poor's (S&P) đã hạ bậc xếp hạng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ hai trong vòng bốn tháng và dự đoán rằng nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới.
Cụ thể, S&P đã hạ một bậc tín nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức B+, mức không đáng đầu tư, do đồng lira suy yếu và mất giá trong hai tuần qua, trong khi cả lạm phát và nợ của nước này đều đang ở các mức quá cao./.