Giá tiêu dùng tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 1/2020 đã lần đầu tiên kể từ tháng 7/2020 tăng trở lại nhờ giá cả tăng tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone đã tăng 0,9% từ đầu năm 2021, mức tăng đáng kể nếu so với tỷ lệ suy giảm 0,3% trong tháng 12/2020.
Theo Eurostat, tỷ lệ lạm phát lõi (tức là không tính sự lên xuống của giá năng lượng và lương thực) đạt 1,4%.
[Suy giảm kinh tế, Eurozone đối mặt nguy cơ suy thoái không tránh khỏi]
Dù tính theo cách nào, tỷ lệ lạm phát tại châu Âu nói trên vẫn còn xa mới đạt mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là gần 2%.
Ngoài Đức, hai nước Pháp và Tây Ban Nha cũng đã chứng kiến giá tiêu dùng tăng trở lại, dù các chuyên gia phân tích thận trọng rằng bối cảnh đặc biệt của đại dịch khiến lạm phát rất khó kiểm soát.
Nhằm đối phó với tình trạng sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng và đẩy giá lên, ECB đã tăng chương trình mua trái phiếu dịch khẩn cấp lên mức 1.850 tỷ euro (2.240 tỷ USD).
Tháng trước, Tổng Giám đốc ECB Christine Lagarde cảnh báo rằng đại dịch sẽ đặt ra "những nguy cơ nghiêm trọng" đến nền kinh tế Eurozone và "các gói kích thích tiền tệ lớn" vẫn đóng vai trò rất quan trọng.
Trước đó, ngày 2/2, Eurostat công bố số liệu cho thấy nền kinh tế Eurozone suy giảm 6,8% năm 2020, ít hơn so với dự báo giảm 7,8% của Ủy ban châu Âu (EC) được đưa ra hồi tháng 11/2020.
Các chỉ số ban đầu cho thấy 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro sẽ phải đối mặt với viễn cảnh một cuộc suy thoái mới sau đợt phục hồi vào mùa Hè năm ngoái bị gián đoạn bởi làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19.
Điều này là do việc triển khai chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu bị chậm trễ và các hạn chế liên quan đến dịch./.