Cơ quan Thống kê Canada (Statscan) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này trong tháng 6 vừa qua đã tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 1/1983. Trước đó, các chuyên gia phân tích tài chính dự kiến lạm phát sẽ tồi tệ hơn, với mức tăng 8,4%.
Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn nguồn Statscan cho biết lạm phát tăng tốc chủ yếu là do giá xăng tăng, khi người tiêu dùng phải trả nhiều hơn 55% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, dầu thô đã giảm giá trong những tuần gần đây.
Nếu không tính lương thực và năng lượng, lạm phát lõi đã tăng 0,4% trong tháng 6 - tốc độ chậm hơn so với những tháng gần đây. Người đứng đầu mảng chiến lược vĩ mô tại công ty Desjardins Securities, Royce Mendes, nhận định: "Chỉ số lạm phát yếu hơn một chút so với dự đoán là tin tốt cho các ngân hàng trung ương đang cố gắng kiểm soát áp lực giá."
Các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ nhằm nỗ lực giảm lạm phát. Trong vòng chưa đầy 5 tháng, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã nâng lãi suất chủ chốt từ 0,25% lên 2,5%, đồng thời khẳng định sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất nữa.
Giá tiêu dùng đang tăng vì nhiều lý do như gián đoạn chuỗi cung ứng đã dẫn đến tình trạng khan hiếm sản phẩm; giá hàng hóa cao hơn nhiều, một phần là do cuộc xung đột Nga-Ukraine; lãi suất thấp đã khiến hoạt động mua nhà bùng nổ.
BoC, cùng với các ngân hàng trung ương khác, đã liên tục đánh giá thấp hướng đi của lạm phát trong hơn một năm. Ví dụ, vào tháng 4/2021, BoC dự báo CPI chỉ tăng 1,9% vào năm 2022. Khi lạm phát gia tăng vào năm ngoái, các ngân hàng trung ương nhận định lạm phát cao chỉ mang tính "nhất thời."
[Anh: Mức lạm phát trong tháng Sáu tăng cao nhất trong 40 năm]
Các sai sót trong dự báo về lạm phát là có vấn đề, bởi vì phải mất một thời gian để những thay đổi về lãi suất có thể "thấm" qua nền kinh tế. Và điều quan trọng là các ngân hàng trung ương phải có cái nhìn tương đối chính xác về lạm phát trong tương lai khi thiết lập chính sách tiền tệ.
BoC cho rằng một phần lớn lỗi dự báo của họ là do giá hàng hóa cao, chẳng hạn như dầu thô, mà ngân hàng không lường trước được. BoC cũng đánh giá thấp sự gián đoạn chuỗi cung ứng và mức độ mà người tiêu dùng sẽ mua hàng hóa, khi nhiều dịch vụ bị đóng cửa trong đại dịch COVID-19.
Đáng lưu ý là kỳ vọng lạm phát - yếu tố mang tính quyết định trong việc thiết lập giá cả và tiền lương - đang tiếp tục tăng lên trong các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong báo cáo chính sách tiền tệ mới nhất, BoC nhận định mức tăng CPI sẽ không trở lại mục tiêu 2% cho đến cuối năm 2024./.