Ngày 14/3, Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại quốc gia Nam Mỹ này trong tháng Hai năm nay đã tăng 6,6% so với tháng trước đó và tăng tới 102,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng mạnh.
Theo INDEC, lạm phát tại Argentina đang có xu hướng tăng tốc. Tháng 1 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh ghi nhận mức tăng 6%. Chỉ số giá tiêu dùng của Argentina trong 2 tháng đầu năm nay đã tăng lên mức 13,1%, cao hơn nhiều so với mức 8,8% trong cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng Hai, nhóm mặt hàng có mức tăng giá cao nhất là thực phẩm và đồ uống, ở mức 9,8%. Đây là điều đáng lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô do tỷ lệ giá thực phẩm trong tổng chi phí của giỏ tiêu dùng cơ bản là chỉ số quan trọng trong việc đo lường mức độ nghèo khó của các hộ gia đình.
[Ngân hàng Argentina duy trì lãi suất cao trước đà tăng lạm phát]
Giá thực phẩm tại Argentina leo thang bất chấp việc chính phủ nước này tháng trước đã khởi động chương trình toàn diện nhằm đảm bảo tốc độ tăng giá của hàng hóa và dịch vụ cơ bản ở mức “vừa phải."
Trong khuôn khổ chương trình này, các nhà sản xuất và các doanh nghiệp bán lẻ phải cam kết không được tăng giá bán quá 3,2% mỗi tháng đối với khoảng 50.000 sản phẩm tiêu dùng đại trà trong nước.
Ngoài nhóm mặt hàng thực phẩm, các ngành hàng có mức tăng giá cao tại Argentina trong tháng vừa qua bao gồm viễn thông (tăng 7,8%); nhà hàng, khách sạn (tăng 7,5%); y tế (tăng 5,3%); giao thông vận tải (4,9%), và dịch vụ nhà ở, điện, nước và gas (4,8%).
Diễn biến của giá cả tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm khiến các chuyên gia kinh tế nghi ngờ về khả năng thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát từ mức 94,8% ghi nhận trong năm 2022 xuống còn 60% trong năm nay, như Chính phủ nước này đã đề ra trong số các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Chuyên gia kinh tế Eugenio Marí từ Quỹ nghiên cứu Libertad y Progreso Foundation dự báo giá cả tiêu dùng tại Argentina sẽ tăng tới 110% trong năm nay, một phần do tác động của đợt hạn hán mà quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp, khiến nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu nông sản giảm sút mạnh đồng thời đẩy giá thực phẩm trong nước leo thang./.