Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/6 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng - thước đo lạm phát ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - đã lần đầu tiên chạm ngưỡng mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra kể từ năm 2018.
Theo Eurostat, trong tháng Năm vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone đạt 2%, tăng so với mức 1,6% hồi tháng trước và vượt mức 1,9% theo dự đoán của giới phân tích.
Lạm phát tăng chủ yếu do giá năng lượng tăng tới 13,1% so với mức 10,4% trong tháng Tư.
[Lạm phát tháng 5/2021 của Đức cao nhất trong một thập niên]
Chi phí ngành dịch vụ cũng tăng lên mức 1,1%, tăng 0,2% so với tháng Tư.
Lạm phát ở mức 2% phù hợp với mục tiêu mà ECB đề ra nhằm duy trì giá cả ổn định trong Eurozone.
Trong hai tháng đầu năm, tỷ lệ lạm phát tại khu vực này chỉ là 0,9%, nhưng sau đó duy trì đà tăng lần lượt lên mức 1,3% và 1,6% trong tháng Ba và tháng Tư.
Phó Chủ tịch Ken Wattret của IHS Markit đánh giá đây là tốc độ tăng tỷ lệ lạm phát nhanh nhất tại Eurozone mà Eurostat từng ghi nhận.
Theo ông, xu hướng này xuất phát từ đà phục hồi của giá dầu thô, việc Đức chấm dứt chương trình tạm thời giảm thuế giá trị gia tăng, điều chỉnh tỷ trọng từng nhóm hàng hóa trong "rổ hàng hóa" của chỉ số giá tiêu dùng và thời gian bán hàng bị thay đổi do đại dịch COVID-19.
Lạm phát của Eurozone tăng trở lại sau 5 tháng liên tiếp (kết thúc vào tháng 12/2020) rơi xuống dưới 0%.
Tháng Ba vừa qua, chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn tài chính đa quốc gia ING, Charlotte de Montpellier, dự báo tỷ lệ lạm phát ở Eurozone sẽ tiếp tục tăng ít nhất là đến mùa Hè này khi nền kinh tế mở cửa trở lại thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách của ECB, cùng với Chủ tịch Christine Lagarde, đã ngụ ý rằng xu hướng lạm phát gia tăng chỉ là hiện tượng tạm thời và dự báo xu hướng này sẽ biến mất trong 12 tháng tới.
Họ lập luận rằng điều này cho thấy chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của ECB vẫn còn phù hợp./.