Lạm phát “níu” xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm 2022

Với tình hình kinh tế thế giới lạm phát, siết chặt vốn vay của ngân hàng trong nước hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2022.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN)
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN)

Tình hình kinh tế các quốc gia trên thế giới rơi vào lạm phát trong những tháng qua đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam; trong đó, có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ.

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu gỗ của Việt Nam giảm sút, từ 5,5-11% so với 2 tháng cùng kỳ năm trước. Điều này ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu gỗ trong 7 tháng qua.

Tăng trưởng thấp

Tổng Cục lâm sản Việt Nam cho biết trong 7 tháng đầu qua, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong những thị trường này, có 5 thị trường chủ lực nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong 5 thị trường chủ lực này, các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng trưởng nhập khẩu gỗ Việt Nam, chỉ có thị trường Mỹ giảm nhập khẩu nhưng lại chiếm tỷ lệ cao nhất, khiến cho kết quả xuất khẩu toàn ngành bị ảnh hưởng. Qua 7 tháng, Việt Nam xuất khẩu 10,42 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ, chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường chủ lực ước đạt 9,38 tỷ USD, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong số đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 5,84 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021; riêng gỗ và sản phẩm gỗ 5,58 tỷ USD, giảm 5,1%.

Trong 45 doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường Mỹ được khảo sát cho thấy, có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ là 11%.

Xuất khẩu sang thị trường châu Âu đạt 726 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 549 triệu USD, giảm 2%. Trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này được khảo sát có tới 24 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này, 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.

[DN ngành gỗ đối diện chi phí tăng cao do giá nguyên liệu phi mã]

Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 1,04 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 999 triệu USD, tăng 20,4%; lâm sản ngoài gỗ 36 triệu USD, giảm 2%. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,161 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 1,15 tỷ USD, tăng 22,9%; lâm sản ngoài gỗ 15 triệu USD tăng 164,2%. Còn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 623 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 604 triệu USD, tăng 13,1%; lâm sản ngoài gỗ 19 triệu USD, tăng 7,9%.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận xét Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ. Do đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm làm cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm.

Ngoài thị trường Mỹ, nhiều thị trường khác trong khối châu Âu cũng đang đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao, các chuyên gia kinh tế cũng dự báo người tiêu dùng châu Âu sẽ thắt chặt chi tiêu, điều này sẽ tác động lớn đến xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam sang thị trường này.

Tìm giải pháp tháo gỡ cuối năm

Với tình hình kinh tế thế giới lạm phát và siết chặt vốn vay của ngân hàng trong nước hiện nay, cộng với hiệu ứng biến động từ thị trường thế giới, các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2022.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trend chia sẻ hiện doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép về vốn vay ngân hàng, chi phí lao động, nguyên liệu đầu vào, những vấn đề này làm cho 71,2% doanh nghiệp có xu hướng sẽ giảm quy mô sản xuất; 15,5% doanh nghiệp sẽ chuyển đổi mặt hàng sản xuất xuất khẩu; 9,6% doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu…

Về năng lực duy trì sản xuất, 44,2% doanh nghiệp có thể cầm cự được từ 3-6 tháng, 23,1% doanh nghiệp sẽ cầm cự được trên 12 tháng, 19,2% có thể cầm cự dưới 3 tháng.

Lạm phát “níu” xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm 2022 ảnh 1Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An kiểm tra các chi tiết khung giường gỗ. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)

Trước những sức ép về thị trường và biến động kinh tế, nhiều doanh nghiệp cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác.

Ông Võ Quang Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai chia sẻ thời điểm này các doanh nghiệp ngành gỗ tại Đồng Nai nói riêng cũng như các doanh nghiệp chế biến gỗ trên cả nước đang phải đối diện với các khó khăn phải nói là chưa từng có, tình trạng giảm, chậm, hủy hay không có đơn hàng sản xuất kéo theo giảm lao động, tình hình tài chính khó khăn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất ngành gỗ.

Qua khảo sát nhanh cho thấy trong tháng Bảy vừa qua, giá các sản phẩm gỗ xuất khẩu giảm 30%, cả thị trường nội địa cũng giảm, doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm 1 nửa, thậm chí một vài doanh nghiệp đóng cửa. Dự báo, tình hình còn khó khăn hơn trong những tháng tiếp theo.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Việt Nam đang cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng Ngân hàng Nhà nước có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container, đồng thời thiết kế gói cứu trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng hy vọng, khi các nhà buôn lớn trên thế giới giải quyết được lượng hàng tồn kho lớn và sẽ đặt hàng trở lại.

Thêm vào đó, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng ngân hàng nên giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này. Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng với các thị trường quốc tế, việc mở rộng thị trường và đa dạng mặt hàng xuất khẩu là giải pháp để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần sản xuất một cách bài bản, căn cơ hơn giúp giảm giá thành, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Song song với đó là nâng cao chất lượng, tay nghề nhân công, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để tăng tỷ lệ tiếp cận đồ gỗ Việt Nam của các khách hàng thế giới mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục