Lạm phát năm 2012 thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội

CPI cả nước 2012 chỉ tăng 6,81% thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 7% mà Quốc hội đề ra, qua đó hoàn thành tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát 2012.
Ngày 24/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 12 và cả năm 2012.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 (theo giá so sánh năm 1994) ước tính tăng 5,03% so với năm 2011, trong đó quý 1 tăng 4,64%; quý 2 tăng 4,80%; quý 3 tăng 5,05%; quý  4 tăng 5,44%.

Trong 5,03% tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,42%, đóng góp 2,7 điểm phần trăm.

Theo đánh giá, mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 5,89% của năm 2011, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng như vậy là hợp lý và thể hiện xu hướng cải thiện qua từng quý, khẳng định tính kịp thời, đúng đắn và hiệu quả của các biện pháp và giải pháp thực hiện.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), với diễn biến không theo quy luật tăng trưởng quyết định bởi nhu cầu tiêu dùng “nóng” vào dịp cuối năm, CPI tháng 12 chỉ tăng 0,27% so với tháng 11 và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2002 lại đây nếu loại trừ năm bất thường 2008.
 
Tốc độ tăng rất thấp của tháng 12 này đã góp phần kiềm chế CPI cả năm nay chỉ tăng 6,81% so với tháng 12/2011 và tăng 9,21% so với bình quân 12 tháng năm 2011. Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2012 thấp hơn mức chỉ tiêu kế hoạch 7% mà Quốc hội đề ra.
 
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức, mặc dù CPI cả năm 2012 thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011 nhưng năm nay là năm giá cả có nhiều biến động bất thường. CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm nhưng lại tăng cao nhất vào tháng Chín với mức 2,2% chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục. Mức tăng CPI cũng đã chậm dần trong những tháng cuối năm nhờ tác động tích cực của việc triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá.
 
Chỉ ra lý do chính khiến CPI cả năm tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch, ông Thức cho biết nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Rổ hàng hóa chung) chỉ tăng 5,78%, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung; trong đó lương thực chỉ tăng 3,26%, thực phẩm tăng 8,14%-hoàn toàn trái chiều với năm 2011 khi nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất này tăng cao nhất và cao hơn nhiều mức tăng chung.
 
Với mức tăng 5,78%, nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất này chỉ đóng góp 2,3% vào mức tăng 6,81% của CPI cả năm. Ngược lại, đóng góp vào tăng CPI chung cả năm lại đến từ tác động của việc điều chỉnh mức phí rất lớn và đồng thời của cả nhóm dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Cụ thể: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã tăng tới 45,23% trong cả năm, đóng góp tới 2,5% trong mức tăng CPI chung 6,81% của cả năm; còn nhóm giáo dục đã tăng 16,97% và đóng góp 1,14% vào mức tăng CPI chung cả năm.

Trong năm có tới 7 tháng CPI chỉ tăng dưới 1% và hầu hết các tháng chỉ tăng dưới 0,5%. Một điều khác thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm nay là CPI không giảm vào sau Tết Âm lịch mà giảm vào hai tháng giữa năm (tháng Sáu và tháng Bảy).

Về chỉ số giá vàng tháng 12/2012 tăng 0,46% so với tháng trước; tăng 0,4% so với tháng 12/2011. Chỉ số giá đôla Mỹ tháng 12/2012 tăng 0,03% so với tháng trước; giảm 0,96% so với tháng 12/2011.

Đưa ra những dự báo cho năm 2013, bà Ngô Ánh Dương, Vụ Phó Vụ giá cho rằng CPI của Việt Nam đang theo quy luật “2 cao, 1 thấp.” Cụ thể, năm 2007 và 2008 CPI tăng cao thì đến năm 2009, CPI lại tăng thấp. Tương tự như vậy, năm 2010 và 2011, CPI tăng cao thì đến năm nay, CPI lại tăng thấp. Vì vậy, CPI năm 2013 rất có thể sẽ tăng cao. Điều này cũng được nhìn nhận bởi đến năm 2013, nhiều mặt hàng sẽ trong lộ trình điều chỉnh giá; trong đó đáng chú ý nhất có khoảng trên 30 tỉnh, thành sẽ điều chỉnh giá giường bệnh. Đây sẽ là nhân tố đóng góp lớn vào tăng CPI.
 
Theo đó, CPI năm 2013 có thể tăng xoanh quanh mức 8% nhưng với điều kiện Chính phủ phải nỗ lực hết sức trong chỉ đạo điều hành, bà Dương nhấn mạnh.

Về giá trị sản xuất xây dựng năm 2012 theo giá hiện hành ước tính đạt 720.200 tỷ đồng, bao gồm: khu vực Nhà nước đạt 112.900 tỷ đồng, chiếm 15,7%; khu vực ngoài Nhà nước 583.200 tỷ đồng, chiếm 81%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 24.100 tỷ đồng, chiếm 3,3%. Giá trị sản xuất xây dựng năm 2012 chia theo loại công trình như sau: Công trình nhà ở đạt 269.800 tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 111.900 tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 241.400 tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 97.100 tỷ đồng.

Về đầu tư phát triển, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012 theo giá hiện hành ước tính đạt 989.300 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và bằng 33,5% GDP.

Theo đánh giá đây là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây. Trong vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012, vốn khu vực Nhà nước đạt 374.300 tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng vốn và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước 385.000 tỷ đồng, chiếm 38,9% và tăng 8,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 230.000 tỷ đồng, chiếm 23,3% và tăng 1,4%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12 ước tính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 15% so với năm 2011. Tính chung cả năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, bao gồm: khu vực kinh tế trong nước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%. Nếu không kể dầu thô thì kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm nay đạt 63,9 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2012 tăng 18,9%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép...

Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao, điều này phản ánh hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp. Mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 17,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 0,6 điểm phần trăm.

Năm 2012, xuất siêu 284 triệu USD và là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993. Trong năm chỉ có ba tháng nhập siêu ở mức thấp, các tháng còn lại đều xuất siêu, đặc biệt là các tháng cuối năm. Nguyên nhân chủ yếu do suy giảm của sản xuất và tiêu dùng trong nước nên nhập khẩu tăng thấp hơn nhiều so với xuất khẩu. Đáng chú ý là xuất siêu hàng hóa chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục