Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 8/8 cho biết lạm phát của Đức trong tháng 7/2023 là 6,2%, tương đương so với thống kê sơ bộ được đưa ra vào cuối tháng trước.
Tuy nhiên, giá tiêu dùng ở Đức dù đã giảm nhưng trên thực tế vẫn cao hơn so với mức trung bình của toàn bộ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
[Nền kinh tế Đức đối mặt với nợ công cao kỷ lục và suy thoái]
Theo Destatis, mặc dù số liệu vừa công bố thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng 6/2023, nhưng giá lương thực cao tiếp tục là yếu tố giữ lạm phát cao hơn mức bình thường. Destatis cho biết giá các mặt hàng thực phẩm nói chung cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là bánh mỳ, các sản phẩm ngũ cốc và rau củ tăng 16%.
Sản phẩm duy nhất trong nhóm các mặt hàng thực phẩm rẻ hơn là dầu ăn và chất béo với mức giảm 12,9%.
Vào cùng giai đoạn, chi phí năng lượng tăng 5,7%, trong đó chi phí cho điện đắt hơn 17,6%.
Destatis cho rằng nếu không bao gồm giá lương thực và năng lượng trong số liệu thống kê, lạm phát trong tháng 7/2023 của Đức sẽ ở mức 5,5%.
Tuần trước, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), cho biết lạm phát tại 20 quốc gia thuộc khu vực Eurozone đã giảm xuống 5,3% trong tháng 7/2023, giảm gần 1 điểm phần trăm so với tháng Năm.
Phát biểu với hãng tin Reuters, chuyên gia kinh tế Sebastian Dullien từ Viện Chính sách Kinh tế Vĩ mô (IMK) có trụ sở tại Düsseldorf cho rằng các số liệu cho thấy xu hướng chung là giảm lạm phát. Ông dự báo con số này sẽ giảm nhiều hơn nữa trong tháng 9/2023.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi cuối tháng Bảy đã nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức cao nhất trong 23 năm là 3,75%. Đây cũng là lần thứ 9 liên tiếp ECB tăng lãi suất trong vòng một năm qua, nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát cao dai dẳng.
Tăng lãi suất được coi là một công cụ để kiềm chế lạm phát. Dù lạm phát ở khu vực Eurozone đã giảm gần một nửa so với mức cao kỷ lục 10,6% vào tháng 10/2022, nhưng giới phân tích cho rằng con số này chưa đủ để ngăn ECB tiếp tục “hành động”./.