Lạm phát của Đức giảm xuống mức một con số trong tháng 12/2022

Mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng lạm phát trong tháng 12/2022 đánh dấu sự cải thiện đáng kể so với mức 10% trong tháng 11/2022 và 10,4% trong tháng 10/2022, thời điểm lạm phát được ghi nhận cao kỷ lục.
Lạm phát của Đức giảm xuống mức một con số trong tháng 12/2022 ảnh 1Người dân mua sắm tại siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lạm phát hằng tháng của Đức đã giảm xuống 8,6% trong tháng 12/2022 và tỷ lệ lạm phát chung của năm là 7,9%.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo sơ bộ của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), công bố ngày 3/1 cho biết dựa trên những thay đổi chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát đã giảm xuống 8,6% trong tháng 12/2022, nhưng lạm phát trong năm 2022 có thể ở mức cao kỷ lục 7,9%.

Mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng lạm phát trong tháng 12/2022 đánh dấu sự cải thiện đáng kể so với mức 10% trong tháng 11/2022 và 10,4% trong tháng 10/2022, thời điểm lạm phát được ghi nhận cao kỷ lục trong vòng 70 năm.

Trước đó, phát biểu với tờ Rheinischer Post, chuyên gia Monika Schnitzer, thành viên của Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức, cơ quan tư vấn cho chính phủ về các vấn đề kinh tế, cho biết có thể phải đến năm 2024, lạm phát mới được kiểm soát trở lại.

[Kinh tế Đức có thể suy thoái sâu hơn dự báo trong năm 2023]

Ông Monika Schnitzer nói: “Lạm phát vẫn sẽ là một vấn đề vào năm 2024 và chỉ sau đó chúng ta mới có thể thấy nó trở lại mức mục tiêu 2%.”

Viện nghiên cứu kinh tế (Ifo) có trụ sở tại Munich dự báo lạm phát chung trong năm 2023 sẽ giảm xuống 6,4%, thấp hơn so với ước tính 7,8% trong năm 2022.

Do lạm phát chậm lại và chi phí năng lượng giảm, Ifo dự đoán tháng 12/2022 sản lượng kinh tế ở Đức sẽ giảm 0,1%, thấp hơn mức giảm 0,3% đã dự báo trước đó.

Lạm phát, được đo bằng sự thay đổi giá của hàng tiêu dùng, có nghĩa là những hàng hóa thiết yếu đang trở nên đắt đỏ hơn. Nếu tiền lương không tăng, lạm phát đồng nghĩa với việc mọi người trở nên nghèo hơn vì tiền của họ có thể mua được ít thứ hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cảnh báo rằng việc tăng lương có thể làm tăng thêm lạm phát khi các công ty tăng giá để phù hợp với dòng tiền được chi tiêu trong nền kinh tế.

Giá cả tăng vọt hiện nay trên toàn thế giới được cho là do chi tiêu quá lớn của các chính phủ trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine và sự gia tăng giá năng lượng sau đó được coi là yếu tố làm trầm trọng thêm tình hình.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tác động tới nền kinh tế Đức và các nước châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, các nước kém phát triển hơn về kinh tế với đồng tiền yếu hơn có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn do các hộ gia đình nghèo hơn có xu hướng chi một phần lớn hơn nhiều thu nhập của họ vào hàng tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục