Làm gì để 'tam nông' của Hà Nội phát triển xứng với tiềm năng?

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, nhưng chưa phát huy cũng như còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
Làm gì để 'tam nông' của Hà Nội phát triển xứng với tiềm năng? ảnh 1Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

“Cần tạo điều kiện cho tam nông của Hà Nội phát triển xứng với tiềm năng, thế mạnh” là ý kiến của ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều ngày 8/7.

Sớm có quy hoạch dọc các bờ sông

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết dù Hà Nội là đô thị đặc biệt, nhưng nông nghiệp, nông thôn và nông dân có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô.

Hiện nay, trong số 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, có 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận sản xuất nông nghiệp.

Số xã của thành phố cũng nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước (383 xã/579 xã, phường, thị trấn); tốc độ đô thị hóa cũng mới đạt xấp xỉ 50%.

[Hà Nội và câu chuyện xây dựng nông thôn mới với tầm nhìn xa]

Trong bối cảnh đó, Thành ủy Hà Nội luôn chú trọng chỉ đạo về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo Bí thư Vương Đình Huệ, Hà Nội đang hoạch định nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2020 cũng như trong giai đoạn tiếp theo. Đó là rà soát điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô; phủ kín quy hoạch theo quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô hiện có được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhiệm vụ lớn nhất là vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đuống để sử dụng nguồn tài nguyên là các vùng bãi ven sông. Khi phủ kín được quy hoạch sông Hồng thì mới sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên là các cùng bãi ven sông.

Cùng đó, một số công trình, dự án mà thành phố rất muốn đẩy nhanh tiến độ là các tuyến đường cải tạo liên quan đến vấn đề thoát lũ...

Làm gì để 'tam nông' của Hà Nội phát triển xứng với tiềm năng? ảnh 2 Hợp tác xã rau Chúc Sơn ở thôn Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn, Hà Nội có diện tích khoảng gần 25ha sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn Vietgap. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và quy hoạch dọc các bờ sông khác thì vấn đề thoát lũ là quan trọng nhất.

Hà Nội rất mong muốn với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có chủ trương để thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt nội dung này để thành phố có thể triển khai các bước tiếp theo.

Tạo điều kiện phát triển “tam nông”

Thời gian qua, dù chịu tác động tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi, dịch COVID-19, nhưng sản xuất nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển khá toàn diện.

Trong quý 1/2020, sản xuất nông nghiệp của thành phố tăng trưởng âm 1,17%, nhưng bước sang quý 2, sản xuất nông nghiệp Thủ đô đã có bước đột phá, đưa tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,61%. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh nông nghiệp cả nước chỉ tăng 1,18% trong nửa đầu năm nay.

Các lĩnh vực kinh tế nông thôn cũng đều có sự phát triển tích cực. Số sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được công nhận là 300, thành phố phấn đấu trong cả nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 1.000 sản phẩm.

Thành phố đã có 353/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 92,4%), dự kiến cuối năm nay sẽ đạt trên 96%; 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, nhưng chưa phát huy cũng như còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa người dân ở nông thôn (55 triệu đồng/người/năm) với mức thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố (khoảng 120 triệu đồng/người/năm) còn rất lớn.

Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp nhìn chung chưa cao, năng suất lao động còn thấp.

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 50%, nhưng kinh tế nông nghiệp tính đến cuối năm nay chỉ đóng góp khoảng 2,65% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố.

Làm gì để 'tam nông' của Hà Nội phát triển xứng với tiềm năng? ảnh 3Hợp tác xã rau Chúc Sơn ở thôn Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn, Hà Nội có diện tích khoảng gần 25ha sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn Vietgap. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thành phố cũng đang đứng trước nhiều bài toán liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển "tam nông" như tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.

Đặc biệt, sắp tới sẽ có sáu huyện chuyển thành quận, đặt ra vấn đề xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa; vấn đề tái cơ cấu lao động nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng thủy lợi, quản lý đê điều...

Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn buổi làm việc này sẽ là bước quan trọng để giải quyết những vấn đề quan trọng đã được đưa ra, tạo điều kiện cho "tam nông" của Hà Nội phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh; trong đó tăng trưởng nông nghiệp đạt được mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GRDP của Thủ đô ít nhất cao gấp 1,3 tăng trưởng GDP cả nước.

Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; trong đó, mục tiêu cụ thể tới năm 2025, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,5%/năm trở lên; đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Đến năm 2025, thành phố có 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy "tam nông" phát triển, thực hiện các mục tiêu nêu trên, Hà Nội kiến nghị, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 15 vấn đề.

Đó là quy hoạch thoát lũ khu vực ngoài bãi sông Hồng; cải tạo một số tuyến đê để bảo đảm giao thông; hỗ trợ trong tổ chức sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp; xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm); hỗ trợ, xúc tiến kêu gọi các đơn vị đầu tư chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm; thúc đẩy chăn nuôi, tái đàn lợn; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ, hướng dẫn và ủng hộ giải pháp quản lý sử dụng bãi sông trên địa bàn thành phố trong quy hoạch phòng chống lũ đã xây dựng và giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch phòng chống lũ theo Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó, xem xét chấp thuận đề xuất cải tạo một số công trình hạ tầng xã hội dân sinh bức xúc trên địa bàn thành phố như trường học, trụ sở làm việc ở các khu vực bãi sông gặp khó khăn trong việc cải tạo sửa chữa, nâng cấp để phục vụ nhu cầu của người dân.

Bộ cũng cần thống nhất giải pháp thiết kế theo đề xuất của Ủy ban Nhân dân thành phố đối với việc xây dựng cải tạo tuyến đê hữu Hồng, đoạn từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân (đoạn 3) trong tổng thể phương án cải tạo đê hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân để đảm bảo khớp nối và khả năng tiếp cận giao thông.

Đối với đoạn đê Hữu Hồng từ Cầu Chương Dương đến cây xăng Lương Yên, thành phố đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phương án giữ nguyên tuyến tường bê tông cốt thép phía thượng lưu, hạ thấp tuyến đường đê phía trên xuống cùng cao độ mặt đường phía dưới. Đồng thời xem xét tháo gỡ khó khăn đối với việc xây dựng một số cầu qua sông Đáy như Cầu Mụ, cầu Tân Phú.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục