Làm gì để đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường?

Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để đảm bảo phòng dịch đồng thời chú ý đến vấn đề giải tỏa áp lực tâm lý cho học sinh trong những ngày đầu trở lại trường là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra.
Các đại biểu cùng thảo luận để mở cửa trường học an toàn. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường là vấn đề trọng tâm được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục diễn ra sáng nay, 19/1.

Chuẩn bị mọi phương án

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo các địa phương, các sở giáo dục và đào tạo cần khẩn trương, kiên quyết, quyết liệt trong việc đưa học sinh trở lại trường, chuẩn bị các phương án để học sinh có thể trở lại trường sau Tết Nguyên đán, không chỉ với các học sinh đã tiêm vacine mà cả bậc mầm non, tiểu học, là những đối tượng chưa được tiêm phòng COVID-19.

Đồng thuận với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay hiện tỷ lệ tiêm vaccine cho người lớn và trẻ em từ 12 đến 17 tuổi của Việt Nam ở mức cao, đạt mức độ miễn dịch cộng đồng. Qua hai năm phòng chống dịch, Việt Nam cũng đạt được các điều kiện, thành tựu, kinh nghiệm phòng chống dịch hết sức quý giá để đảm bảo an toàn cho các trường học.

Về vấn đề đảm bảo phòng dịch khi học sinh trở lại trường, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các sở y tế tiếp tục phối hợp với sở giáo dục đào tạo xây dựng các kịch bản phòng chống dịch từ gia đình, trên đường đi và ở trường học, khi sinh hoạt ngoài cộng đồng, phù hợp với tình hình dịch của các địa phương.

Ông Sơn cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cố gắng xây dựng các điều kiện một cách cụ thể, rõ ràng, đơn giản hóa, tránh dài dòng, khó áp dụng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

“Về phía Bộ Y tế, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể ban hành những thông báo, những nội dung nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường. Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương sẵn sàng trao đổi, có hướng dẫn với các vấn đề nảy sinh khi đưa hoạt động dạy và học trở lại trực tiếp,” Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Trong khi đó, phó giáo sư Trần Minh Điền, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương và giáo sư Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Giám đốc Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương lại nhấn mạnh phải chú ý phòng dịch không chỉ ở nhà trường mà ở cả các gia đình. “Mỗi thành viên trong các gia đình đều phải có ý thức tuân thủ 5K để bảo vệ bản thân, con em mình và cả trường nơi con mình theo học,” giáo sư Nguyễn Anh Trí nói.

Giải tỏa áp lực tâm lý cho học sinh

Bên cạnh vấn đề phòng dịch, một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề giải tỏa các áp lực tâm lý cho học sinh khi đi học trở lại.

Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng không được đến trường trong nhiều tháng, học sinh sẽ bị giảm kỹ năng xã hội. Vì thế, trong những ngày đầu, nhà trường cần giúp học sinh làm quen lại với môi trường lớp học để các em phục hồi cảm xúc xã hội của mình. Khảo sát của UNICEF cũng cho thấy học sinh có mối lo ngại về việc học trực tuyến ảnh hưởng đến kết quả học tập.

“Áp lực học vấn ảnh hưởng không tốt đến tâm lý học sinh. Tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lưu tâm đến vấn đề này, có thể giảm các bài kiểm tra, kéo dài thời gian học để giảm áp lực cho các em khi đến trường,” đại diện UNICEF nói.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh việc phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh để có được sự đồng thuận trong quá trình triển khai.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định cần khẩn trương và mạnh mẽ trong việc cho học sinh trở lại trường. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đồng tình và cho biết việc chuẩn bị về mặt tư tưởng, nhận thức, quan điểm khi cho học sinh trở lại trường là hết sức quan trọng. Ông đồng tình với quan điểm của đại diện UNICEF về việc cần có thời gian để học sinh, cán bộ, giáo viên làm quen trở lại và hứng thú với việc học trực tiếp.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng phải chuẩn bị các điều kiện về y tế, giáo viên, quy trình, tập huấn, lên các kịch bản trong các tình huống.

“Chúng ta cần phải tránh cả hai thái cực, không chần chừ e dè thái quá nhưng cũng tránh chủ quan, phó mặc cho thầy cô. Cần phải có sự chuẩn bị chu đáo nhiều mặt mới có thể thực hiện được,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Trọng tâm là bù đắp kiến thức

Chia sẻ về những việc cần làm trong thời gian tới, tư lệnh ngành giáo dục cho hay Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo, điều chỉnh về xác định cấp độ dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với tình hình mới.

Về việc dạy và học, ngành giáo dục xác định năm 2022 là năm trọng tâm củng cố và bù đắp kiến thức, chuẩn bị tốt cho các năm tiếp theo. Bộ trưởng đề nghị các nhà trường cần hỗ trợ kiến thức và tâm lý cho học sinh, có khảo sát và phân nhóm để bù đắp kiến thức kịp thời cho các em. Nội dung học vẫn dựa theo chương trình cốt lõi của bộ đã ban hành. Đơn vị nào kết thúc sớm chương trình cốt lõi thì quay trở lại củng cố các kỹ năng, yêu cầu để tranh thủ nâng cao chất lượng.

[Học kỳ đặc biệt chưa từng có: Nhiều trăn trở và khát khao tới trường]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương quyết liệt, mạnh mẽ và tích cực chuẩn bị các điều kiện cho học sinh trở lại trường khi thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều. Ông cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tạo điều kiện hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trong việc đón sinh viên trở lại trường sau dịp Tết.

“Không có một phương án nào là hoàn toàn tuyệt đối đáp ứng được mọi khía cạnh, chúng ta chỉ có thể chọn một phương án tốt nhất. Và phương án tốt nhất lúc này là phải đưa học sinh trở lại trường vì nếu tiếp tục học trực tuyến sẽ có thể dẫn đến những nguy cơ còn cao hơn nữa,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục