Luật Lâm nghiệp 2017 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, trong đó khái niệm cộng đồng dân cư đã được mở rộng và lần đầu tiên được công nhận là một trong 7 chủ rừng. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng cộng đồng, hướng tới bảo vệ bền vững các khu rừng tự nhiên.
Thế nhưng, trong bối cảnh vẫn còn những định kiến về “giao đất-giao rừng,” Luật Lâm nghiệp có giúp cộng đồng trở thành những người chủ rừng thực sự, khi rừng tự nhiên vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước? Nhà nước cần làm gì để đảm bảo rằng quản lý rừng cộng đồng được thực hiện một cách hệ thống, chuyên nghiệp?...
Trên đây là những vấn đề được các chuyên gia nghiên cứu về rừng đưa ra thảo luận tại buổi Tọa đàm “Để cộng đồng thực sự làm chủ: Thực tế và những thách thức” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 10/1, tại Hà Nội.
Công nhận cộng đồng là chủ rừng
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2018 Việt Nam có 1.145.601 hécta rừng do cộng đồng dân cư tham gia quản lý (chiếm gần 8%), trong đó rừng tự nhiên là hơn 1.048.765 hécta, rừng trồng 96.836 hécta. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 524.477 hécta rừng đã có quyết định giao cho trên 10.000 cộng đồng.
Thực tế trên cho thấy diện tích rừng mà cộng đồng thực sự được “làm chủ” còn khá ít so với diện tích họ đang quản lý, sử dụng. Thậm chí, nhiều nơi, diện tích rừng giao cho cộng đồng quản lý còn ít hơn nhiều so với các công ty, ban quản lý, doanh nghiệp thuê rừng.
Đề cập vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, sau gần hai thập kỷ thực hiện thí điểm giao rừng và phát triển các mô hình quản lý rừng cộng đồng cho thấy, cộng đồng địa phương có khả năng quản lý rừng cộng đồng một cách hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích khác nhau về môi trường, kinh tế, và xã hội.
Cụ thể, giao rừng cho cộng đồng giúp hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, gia tăng phục hồi và phát triển rừng, đồng thời giúp tạo thu nhập từ rừng cho người dân.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng nêu ra thực tế là hiện nhiều địa phương, nhất là các cơ quan quản lý vẫn còn những định kiến hoặc ngần ngại, không ủng hộ giao đất-giao rừng cho cộng đồng vì thiếu đi niềm tin, hoặc lo ngại sau khi giao rừng sẽ mất.
“Việc cộng đồng tham gia quản lý rừng nhưng không được giao quyền làm chủ, kể cả ở những khu rừng quản lý theo truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang gây khó khăn cho tổ chức quản lý, phát triển và phục hồi rừng của cộng đồng địa phương. Đồng thời là nguy cơ gây mất rừng và suy thoái rừng,” ông Dũng nói.
[Tội ác dưới những tán rừng xanh: Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng]
Để giải quyết vấn đề trên, Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, lần đầu tiên đã công nhận cộng đồng dân cư là một trong 7 chủ rừng. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng cộng đồng, hướng tới bảo vệ bền vững các khu rừng tự nhiên và góp phần cải thiện sinh kế cộng đồng.
Cụ thể, Luật Lâm nghiệp 2017 đã khẳng định “Nhà nước bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất” (Khoản 6 – Điều 4).
Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn còn những định kiến về “giao đất, giao rừng,” Luật Lâm nghiệp có giúp cộng đồng trở thành những người chủ rừng thực sự, khi rừng tự nhiên vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước? Nhà nước cần làm gì để đảm bảo rằng quản lý rừng cộng đồng được thực hiện một cách hệ thống, chuyên nghiệp? Nhà nước cần làm gì để đảm bảo rằng quản lý rừng cộng đồng được thực hiện một cách hệ thống, chuyên nghiệp?...
Theo đánh giá của giới chuyên gia nghiên cứu về rừng, nếu chiếu theo quy định, “rừng tự nhiên” là tài sản công, Nhà nước đại diện chủ sở hữu… thì công sức của người dân được giao rừng gần như mất trắng (?!). Trường hợp rừng cộng đồng Vi Chring ở xã Hiếu (Kon Tum) là một ví dụ. Năm 2008, cộng đồng thôn được nhận 808,8 hécta rừng sản xuất là rừng tự nhiên với mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, làm giàu rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ và sử dụng rừng bền vững.
Tuy nhiên, tuyên bố “đóng cửa rừng tự nhiên” của Chính phủ từ năm 2010 vô hình chung… đã khóa chặt cơ hội được hưởng lợi của cộng đồng này khi không cơ quan nào “dám” phê duyệt cho họ khai thác dù là theo thiết kế bền vững. Thậm chí, rất nhiều các hộ gia đình được giao rừng tự nhiên đều muốn chặt rừng để thành rừng sản xuất, rừng trồng bởi đơn giản, với rừng trồng, họ được thừa nhận quyền sở hữu đối với rừng.
Cần có chính sách hỗ trợ hưởng lợi
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên, cần thiết phải có những cải cách lớn để thiết lập một chế độ sở hữu và hưởng lợi từ rừng tự nhiên rõ ràng và phù hợp hơn nhằm một mặt hỗ trợ cơ quan quản lý trong công tác quản lý bảo vệ rừng, cải thiện hiệu quả nguồn lợi trên toàn bộ hệ thống.
Ngoài ra, trong hơn 10 triệu hécta rừng tự nhiên hiện nay, cần xác định rõ diện tích nào thuộc sở hữu nhà nước, diện tích nào có thể chuyển thành sở hữu chung (cộng đồng) hay sở hữu tư nhân. Với các diện tích rừng tự nhiên cần phải bảo vệ thì chuyển sang loại rừng bảo vệ, là tài sản công, sở hữu toàn dân và nhà nước cần tập trung đầu tư nguồn lực để bảo vệ.
Đối với rừng tự nhiên (có thể nghèo kiệt, hoặc trước đây nghèo kiệt) là rừng sản xuất thì nên được công nhận tài sản của chủ rừng, thuộc sở hữu riêng hoặc sở hữu chung (cộng đồng). Chủ rừng cần được phép khai thác theo quy trình quản lý và khai thác rừng bền vững. Quy định này sẽ tạo nên động lực lớn cho phát triển và khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ ngay các chủ rừng.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về rừng, ông Đào Xuân Khanh, Viện Chứng chỉ Rừng cho rằng việc giao rừng cho cộng đồng quản lý là bước tiến rất quan trọng. Tuy nhiên, ông Khanh cũng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hợp lý hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng như việc xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để người dân yên tâm bảo vệ, phát triển rừng.
[Ngang nhiên tàn phá rừng già Nà Pen ở tỉnh Điện Biên]
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã thảo luận và đề xuất một số giải pháp thiết thực, góp phần hoàn thiện chính sách và thực hiện có hiệu quả việc quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam. Trong đó, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế hưởng lợi phù hợp đối với rừng giao cho cộng đồng thôn/bản; cần đơn giản hóa thủ tục giao đất rừng cho đồng bào các dân tộc.
Chính quyền địa phương cần xác định giao đất giao rừng cho cộng đồng, thôn/bản là vấn đề ưu tiên bố trí kinh phí và thực sự quan tâm triển khai; cần rà soát lại ranh giới, trạng thái rừng, nhu cầu sử dụng đất rừng của cộng đồng để giải quyết tốt hiện trạng chồng lấn đất rừng, tranh chấp giữa các chủ rừng, thực hiện có hiệu quả công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn/bản../.